Số phận gian nan của một con đường
(Dân trí) - Với dự định mở rộng TP hướng về phía biển, năm 2002, UBND TPHCM duyệt đầu tư mở rộng đường Rừng Sác dài gần 40km, rộng từ 30-120m. Nhưng sau hơn 6 năm, đường Rừng Sác vẫn mang dáng dấp của con đường nhỏ bé 20 năm trước.
Lúc bấy giờ, với quy hoạch mở rộng TP tiến về phía đông, UBND TP đã quyết định mở rộng quy mô con đường từ 6m lên thành 6 làn xe. Giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành mở rộng đường và đắp nền hạ với giá trị đầu tư hơn 390 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2006 sẽ xong. Giai đoạn 2 sẽ trải lớp đất cấp phối đỏ, đá, nhựa đường, trồng cây xanh, chiếu sáng; giá trị đầu tư giai đoạn này là 740 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nhiều trở ngại như: điều chỉnh biện pháp thi công, vướng giải toả bền bù... nên tiến độ thi công bị kéo dài. Mãi đến năm 2006, khi công trình đã gần hoàn thành, đơn vị thi công đã chặt gần 80 ha rừng đước để mở rộng đường như thiết kế, đắp nền hạ… thì TP quyết định điều chỉnh từ 6 làn đường xuống còn 4 làn đường và bắt trồng rừng lại.
Đơn vị thi công đang loay hoay việc trồng lại rừng thì vào tháng 6/2007, TP tiếp tục điều chỉnh thiết kế trở lại như cũ khiến đơn vị thi công lại tiếp tục loay hoay tìm giải pháp xử lý. Cho nên, mãi đến cuối năm 2008 mà công việc vẫn chưa hoàn tất. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến khởi công vào tháng 6/2008 cũng không thực hiện được, phải chuyển sang năm 2009.
Đến nay, giai đoạn 2 đã bắt đầu khởi động, chủ đầu tư hứa hẹn đến cuối năm 2009 sẽ hoàn tất việc trải nhựa đường 3 làn xe trên tổng số 6 làn xe. Nhưng đến lúc này, nhiều chuyên gia lại bàn lại câu chuyện mở rộng tuyến đường này lên 6 làn xe có lãng phí hay không.
Theo thống kê tại bến phà Bình Khánh, trong những ngày cao điểm (cuối tuần) thì cũng chỉ có gần 20.000 người qua phà/ngày để vào đường Rừng Sác tham gia lưu thông, trong đó 1/2 là người đi bộ. Như vậy, lượng người lưu thông trên tuyến đường này chỉ chừng trên dưới 1.000 lượt/giờ mà con đường rộng đến 6 làn xe thì hơi lãng phí. Ông Lê Toàn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng có ý kiến là nên đầu tư xây dựng có định hướng mở rộng trong tương lai, nhưng cũng phải phù hợp với hiện tại để tránh lãng phí.
Ngoài ra, TP còn đầu tư 230 tỷ đồng xây dựng 7 cây cầu mới trên đường Rừng Sác, tải trọng 30 tấn thay thế 7 cây cầu cũ chỉ có tải trọng 13 tấn. Nhưng 7 cây cầu trên cũng chung số phận gian nan như con đường. Dự kiến cuối năm 2006, 7 cây cầu này sẽ xong. Tuy nhiên, trầy trật đến nay vẫn chỉ mới xong được 4 cây, còn 3 cầu An Nghĩa, Rạch Lá, Lôi Giang vẫn đang dang dở.
Đến nay, TP vẫn chủ trương mở rộng đường để đáp ứng nhu cầu lưu thông trong tương lai. UBND TP cũng vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP ưu tiên xét duyệt kế hoạch vốn cho các dự án cầu, đường Rừng Sác để đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu đến cuối năm 2009 sẽ cơ bản thông suốt toàn tuyến đường Rừng Sác.
Nhưng cho dù tuyến đường này cùng với 7 cây cầu hoàn tất tốt đẹp trong năm nay, hoặc năm sau thì con đường hướng ra biển của TP vẫn còn xa vời. Bởi, để kết nối con đường này với khu trung tâm, đảm bảo tuyến đường thông suốt thì còn phải đầu tư xây dựng cầu Bình Khánh vượt sông Sài Gòn, thay thế bến phà Bình Khánh hiện nay.
Theo khảo sát ban đầu thì giá trị đầu tư cây cầu này không dưới 3.000 tỷ đồng. Trong tình hình kinh tế hiện nay thì việc đầu tư một cây cầu để kết nối tuyến đường đón đầu tương lai như đường Rừng Sác hơi khó khả thi. Mà cho dù cây cầu này được duyệt đầu tư ngay thì cũng phải mất ít nhất 4 năm để xây dựng nó. Vì vậy, có lẽ phải mất cả thập kỷ nữa thì tuyến đường hướng ra biển này mới hoàn tất!
Tùng Nguyên