Thừa Thiên - Huế:

Số người chết vì lũ vẫn chưa dừng lại

(Dân trí)- Dù trận lũ lớn đầu tiên của năm đã bắt đầu rút, thiệt hại về người và của vẫn chưa dừng lại. Tính đến 20/10, toàn tỉnh đã có 5 người chết và hàng trăm hecta hoa màu bị tàn phá. BCĐ PCLB tỉnh đã đề xuất hơn 30 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Những cái chết đáng thương và đáng báo động

Ngoài bé trai 45 ngày tuổi chết do lốc làm lật đò ở huyện Phú Lộc, 4 trường hợp khác cũng thiệt mạng chỉ vì sơ sẩy hoặc chủ quan với mưa lũ.

Ngày 15/10, lúc nước lũ chưa lên cao, những người dân chài đi đánh cá trên phá Tam Giang đã phát hiện xác một thanh niên trôi dạt vào vùng nò sáo. Người xấu số đó là em Văn Đức Trung ở Quảng Thái, Quảng Điền, đang là học sinh năm cuối trường THPT Tam Giang.

Em Trung bị lũ cuốn trôi khi trên đường đến trường, lúc qua đập Cửa Lác. Do phương tiện liên lạc hạn chế, nên dù em Trung không về nhà vào buổi chiều nhưng gia đình cứ đinh ninh em mắc lũ phải trú lại trường.

Được biết, Quảng Điền là huyện trũng nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, hằng năm đều bị ngập lụt nặng. Học sinh ở nhiều xã muốn tới trường phải đi qua đập Cửa Lác (dài gần 2km), chỉ cần một sơ sảy nhỏ là hậu quả khôn lường.
 
Số người chết vì lũ vẫn chưa dừng lại - 1

Những chuyến đò ngang mang theo nhiều hiểm họa trong mùa lũ (Ảnh: H.K).

Một cái chết không kém phần thương tâm là trường hợp của cháu Hà Văn Quang ở KV7 thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà). Mới 2 tuổi, cháu đã bị dòng lũ cuốn trôi khi chập chững đi lại và bị sảy chân.

Hay như anh Trần Bá Hưng (SN 1972, ở Sơn Công - Hương Vân - Hương Trà), bị tâm thần thường bỏ nhà đi lang thang. Tuy nhiên, sau khi đi khỏi nhà chiều 17/10, gia đình không thấy anh Hưng trở về và đến sáng hôm sau, người làng phát hiện anh đã chết từ đêm trước.

Ở huyện miền núi Nam Đông, nơi lượng mưa lớn nhất toàn tỉnh, một thanh niên 16 tuổi do bất cẩn ra suối trong lúc nước chảy xiết đã mất mạng trong dòng lũ.

Theo đánh giá của người dân Thừa Thiên - Huế, lũ lụt ở đây thường khá “hiền”, ít lũ quét. Thế nhưng, chưa năm nào ở Huế không có người chết vì lũ, hầu hết là do chủ quan, bất cẩn.

Lũ chưa lớn, thiệt hại quá lớn

Theo đánh giá của BCH PCLB&TKCN tỉnh, trận lũ đầu tiên của năm 2008 tại Thừa Thiên - Huế vẫn còn thấp hơn nhiều so với đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Nhưng con số thiệt hại thì không hề nhỏ.

Trong đợt lũ cục bộ trước đó, 120ha lúa chưa thu hoạch ở huyện A Lưới đã bị ngập trong nước. Khoảng 300ha khoai, sắn trái vụ của huyện Phong Điền cũng chịu chung số phận.
 
Số người chết vì lũ vẫn chưa dừng lại - 2

Mưa lũ ngập gần kín huyện Quảng Điền. (Ảnh: H.K).

Cơn lũ đã cướp đi 25 tấn cá, tôm ở các huyện ven phá Tam Giang, với 50ha ao hồ và 128 lồng cá bị vỡ, hỏng. Nước vượt báo động 3, đê bao chống lũ Đông Lâm đã vỡ đến nay vẫn chưa khắc phục được. Trên toàn tỉnh, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán.

Như Dân trí đã đưa tin, cơn lốc đêm 16/10 tràn qua 2 huyện Phú Vang, Phú Lộc làm 43 ngôi nhà và 3 trường học tốc mái. Hàng chục ngôi trường chìm sâu trong nước.

Trước thiệt hại do mưa lũ, BCH PCLB&TKCN tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, đề xuất hỗ trợ 30,85 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra gồm: 10 tấn giống rau để sản xuất vụ Đông, 10 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng... và đặc biệt là đầu tư nâng cấp đê bao Đông Lâm.

Quảng Nam: 8 người chết và mất tích, thiệt hại sau lũ ước tính 50 tỷ đồng

 

Theo báo cáo chưa đầy đủ của BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, đến cuối ngày 19/10, toàn tỉnh đã có 8 người chết và mất tích; trong đó, nhiều nhất là huyện Đại Lộc: 4 người, Bắc Trà My: 1 người, Duy Xuyên: 1 người, Tam Kỳ: 1 người và Hiệp Đức: 1 người. Tổng thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh sau mưa lũ ước khoảng 50 tỷ đồng.

 

Toàn tỉnh có gần 14.000 ngôi nhà, 20 trường học học, trạm xá bị ngập sâu trong lũ; gần 1000 hộ gia đình nằm trong vùng lũ sâu, sạt lở nguy hiểm phải sơ tán khẩn cấp; hàng trăm gia súc bị lũ cuốn trôi, hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả và vùng nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại nặng nề sau lũ…

 

Số người chết vì lũ vẫn chưa dừng lại - 3
  Nhiều tuyến giao thông trọng điểm bị sạt lở nghiêm trọng.

 

Đặc biệt, mưa lũ đã gây sạt lở, hư hại nghiêm trọng nhiều tuyến giao thông trọng điểm. Nhiều tuyến giao thông chưa kịp khắc phục, gia cố, tiếp tục bị đợt mưa lũ sau gây hỏng nặng. Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện miền núi Đông Giang, lũ đã cuốn đổ hàng chục nghìn khối đất đá, giao thông tê liệt.

 

Trưa ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao đức Phát cùng đoàn công tác của Bộ đã về đến Quảng Nam, chỉ đạo khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra.

 

Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung phương tiện, nhân lực gia cố, khắc phục các tuyến giao thông trọng điểm, nỗ lực thông tuyến trong thời gian sớm nhất; đồng thời, huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống sau thiên tai, phun hoá chất tiêu trùng khử độc kìm hãm dịch bệnh…

 

Phía tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB TW hỗ trợ tỉnh 20 tỉ đồng, 300 tấn gạo, 50 tấn giống rau màu các loại, 2 tấn thuốc khử trùng, 1 triệu viên thuốc lọc nước, 200 cơ số thuốc chữa bệnh… để hỗ trợ nhân dân địa phương khắc phục thiệt hại do hai đợt mưa lũ liên tiếp gây ra. (Khánh Hiền)

Hồng Kỹ