1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Số người bị tuyên án vì bạo lực gia đình sẽ tăng vọt?

(Dân trí) - Ngày 1/7/2008, Luật Phòng chống bạo lực gia đình bắt đầu có hiệu lực. Theo dự báo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Tòa án, khi chuyện bạo lực gia đình được “hình sự hóa”, đối tượng bị tuyên án sẽ tăng vọt!

Bắt đầu từ những con số biết nói...

Luật Phòng chống bạo lực gia đình được “thai nghén” cách đây hơn 2 năm và chính thức trình làng trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 11. Khi đó, để chứng minh cho sự bức thiết phải ra đời Luật này, Ủy ban Các vấn đề xã hội nêu lên một loạt các con số vô cùng đau thương về vấn đề tưởng như chỉ là chuyện “riêng” của mỗi nhà.

Khảo sát tại 8 tỉnh ở 8 vùng trên cả nước, do Uỷ ban Các vấn đề xã hội phối hợp với một số viện nghiên cứu tiến hành trong 6 tháng đầu năm 2006, cho thấy: Hàng năm 23% gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục.

Còn báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc cứ khoảng 2-3 ngày lại có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình. Trong năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó 39 vụ chồng giết vợ, 8 vụ vợ giết chồng.

Các con số khác từ một số trung tâm y tế cấp huyện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bình quân mỗi năm một trung tâm y tế huyện tiếp nhận gần 100 ca tự tử, trong đó gần 50% là thanh niên, nguyên nhân chủ yếu do bố mẹ cản trở quan hệ yêu đương, hôn nhân của con cái. Báo cáo của sở y tế 1 tỉnh ở Tây Nguyên, có 715 người tự tử với 27 người bị chết liên quan đến bạo lực gia đình..

Báo cáo của công an một huyện vùng miền núi Tây Bắc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2006, kiểm tra 4 trong số 9 xã có đồng bào Mông, đã có 24 vụ tự tử bằng lá ngón làm 11 người chết. Trong giai đoạn 2001-2005, mỗi năm có 10-20 vụ tự tử bằng lá ngón do nguyên nhân chính là bị vợ ngược đãi, vì chồng có vợ hai; hay tảo hôn..

5 Bộ cùng “xúm” lại giải quyết bạo lực gia đình

Bên cạnh các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát... là người chịu trách nhiệm thi hành Luật thì 5 Bộ là Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin - Truyền thông; Giáo dục - Đào tạo cũng phải cùng chung sức giải quyết vấn đề bạo lực gia đình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là Bộ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ sẽ phải xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.

Hướng dẫn thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở; việc thành lập, giải thể cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ Y tế tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Báo cáo các trường hợp bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình và ban hành quy trình chữa trị... nghiện rượu, thủ phạm gây ra tới 60% các vụ bạo lực gia đình...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bộ Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục...

Bộ Thông tin - Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình...

Ngoài ra, Luật cũng có yêu cầu, hàng năm trong báo cáo về kinh tế - xã hội của Uỷ ban nhân dân cấp xã trước Hội đồng nhân dân cùng cấp cần có nội dung này.

Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, hành vi bạo lực gia đình bao gồm: lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm; cưỡng ép quan hệ tình dục hay cố tình cô lập, xua đuổi; ngăn cản không cho thực hiện các quyền trong quan hệ với những người thân trong gia đình... Cưỡng ép kết hôn, ly hôn; kiểm soát thu nhập các thành viên trong gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính…

Phạm vi điều chỉnh của luật này mở rộng ra cả những đôi nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng…

Nạn nhân bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình. Họ sau đó được bố trí nơi tạm lánh và địa điểm này được giữ bí mật. Tòa án có quyền ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực không được tiếp xúc với nạn nhân khi thấy việc này là cần thiết hoặc nạn nhân có đơn yêu cầu…

Ngày 21/11/2007, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình. 88,84 % đại biểu đã tán thành thông qua Luật này. Chỉ có 9 người không tán thành và 1 người không biểu quyết.

Lê Châu