Số hộ nghèo Việt Nam đã giảm gần 50%
Ngày 13/5, Bộ Tài Chính đưa ra đánh giá về tình hình chi tiêu của Việt Nam. Theo đó, việc điều hòa phân bổ ngân sách giữa các địa phương mang lại lợi ích cho các tỉnh nghèo, trong đó số hộ nghèo Việt Nam đã giảm gần 50% trong 10 năm…
Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mở Hội nghị công bố và đánh giá tổng hợp chi tiêu công Việt Nam năm 2004, tại Đà Nẵng.
Theo ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, báo cáo này nhằm thông qua phân tích các kết quả để xác định các thứ tự ưu tiên hành động của Chính phủ và các bộ ngành nhằm phân bổ các nguồn lực và quản lý chi tiêu công tốt hơn.
Báo cáo đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 4/2005, bao gồm các nội dung xem xét các vấn đề liên ngành và chuyên ngành (y tế, giao thông, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, các chương trình mục tiêu quốc gia) trong quản lý chi tiêu công.
Theo đánh giá, từ năm 1998 đến 2003 tổng chi ngân sách trung bình tại Việt Nam tăng gần 16%; tỉ lệ chi tiêu công chiếm 3% GDP bền vững trong nước và 5% theo đánh giá GDP quốc tế.
Tổng chi này đã tạo các thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế xã hội, như tỷ lệ chi đầu tư cho giáo dục đào tạo tăng từ 14% lên 18,6% tổng chi tiêu công quốc gia, việc điều hòa phân bổ ngân sách giữa các địa phương mang lại lợi ích cho các tỉnh nghèo, trong đó số hộ nghèo Việt Nam đã giảm gần 50% trong 10 năm…
Tuy nhiên, các nhà tư vấn cũng khuyến cáo có nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong quản lý chi tiêu công, như cần hạn chế phát hành trái phiếu ngoài cân đối ngân sách, cần có các giải pháp cấp thiết giải quyết các khoản nợ hiện tại về xây dựng cơ bản và ngăn ngừa không cho phát sinh thêm các khoản nợ này…
Cân đối giữa chi đầu tư và chi thường xuyên, tăng cường liên kết giữa kết quả hoạt động và các quyết định ngân sách với việc giám sát cung cấp dịch vụ, tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước…
Theo Sài gòn giải phóng