1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sở GTVT TPHCM gỡ vướng cho Bến xe miền Đông mới ra sao?

Phương Nhi

(Dân trí) - Sở GTVT vừa gửi đề nghị đến UBND TPHCM về việc gỡ vướng để khai thác, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức).

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, vừa ký văn bản khẩn gửi Văn phòng UBND thành phố về việc giải quyết các kiến nghị cử tri trên địa bàn liên quan đến lĩnh vực giao thông. Đây là những ý kiến được các đại biểu ghi nhận từ người dân trước kỳ họp HĐND cuối năm 2022.

Trong đó, nhiều cử tri bày tỏ quan tâm đến khai thác, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức). Đối với nội dung này, Sở GTVT đã đưa một số đề nghị để các cơ quan liên quan cùng phối hợp, hỗ trợ, tổ chức thực hiện.

Sở GTVT TPHCM gỡ vướng cho Bến xe miền Đông mới ra sao? - 1

Bến xe miền Đông mới hoạt động từ ngày 10/10/2020 (Ảnh: Q.A.).

Sở GTVT giao các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, triển khai các tuyến xe buýt mới hoặc điều chỉnh vào khu vực Bến xe miền Đông mới, để hình thành kết nối giữa nội tỉnh và liên tỉnh khu vực của ngõ phía Đông thành phố. Thanh tra Sở GTVT chịu trách nhiệm tổ chức các đợt thanh, kiểm tra chuyên đề về hoạt động của ô tô vận tải hành khách, phát hiện kịp thời và xử lý nạn "xe dù, bến cóc".

Trong đó, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như camera giao thông, cần được tăng cường trên các tuyến đường xe khách thường xuyên dừng, đỗ xe, đón trả khách sai quy định.

Sở GTVT cũng đề nghị Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) tăng cường thông tin, tuyên truyền đến hành khách, đơn vị vận tải về việc di dời toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Bến xe miền Đông cũ, sang bến mới.

Sở GTVT TPHCM gỡ vướng cho Bến xe miền Đông mới ra sao? - 2

Bến xe miền Đông mới vắng khách trưa 28/10 (Ảnh: Phương Nhi).

Chủ đầu tư Bến xe miền Đông mới phải bổ sung thêm quầy vé để phục vụ theo yêu cầu của các đơn vị vận tải, xem xét giảm giá dịch vụ, tổ chức xe vận chuyển hành khách có nhu cầu từ bến cũ sang bến mới và ngược lại.

Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, phối hợp UBND TP Thủ Đức, Ban Quản lý đường sắt đô thị... khẩn trương đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông kết nối khu vực xung quanh Bến xe miền Đông mới như tuyến Metro số 1, công trình cầu vượt, cầu bộ hành, mở rộng tuyến Xa lộ Hà Nội... 

Ngày 10/10/2020, TPHCM tổ chức di dời (giai đoạn 1) 22 tuyến xe khách (cự ly tuyến từ 1.100 km trở lên) đang hoạt động tại Bến xe miền Đông cũ, sang Bến xe miền Đông mới.

Từ ngày 11/10/2022, cơ bản hoàn thành di dời (giai đoạn 2) toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh còn lại.

Tuy nhiên sau nửa tháng, mỗi ngày Bến xe miền Đông mới chỉ có khoảng 2.000 khách với 204 chuyến xe xuất bến, thay vì khoảng 500 chuyến theo kế hoạch.

Nhiều chuyên gia giao thông nhận định bến xe mới nằm ở vị trí khá xa, đi lại không thuận tiện. Mới đây, các đơn vị đã đưa vào hoạt động 2 xe buýt miễn phí chở khách từ bến cũ ra bến mới, tần suất hoạt động 12 chuyến/ngày nhưng khách vẫn ít đi do khung giờ chưa hợp lý.

Từ đó, tình trạng "xe dù, bến cóc" diễn biến phức tạp. Đặc biệt đối với các tuyến xe khách đi miền Trung, miền Bắc, nhà xe chủ động rước khách gần Bến xe miền Đông cũ hoặc trạm xăng gần đó...