Số đơn khiếu nại tố cáo vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở

(Dân trí) - Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ trong các nguyên nhân dẫn tới khiếu nại tố cáo vẫn phức tạp, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan; đánh giá kỹ hơn nguyên nhân dẫn đến số đoàn khiếu nại tố cáo giảm nhiều nhưng số đoàn đông người lại tăng 10,2%

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Quochoi.vn).
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Quochoi.vn).

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác khiếu nại, tố cáo năm 2017 chiều 7/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết nhận định, tình hình có giảm so với năm 2016.

Cụ thể, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%, tổng số đơn giảm 8,9%, tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%... Tuy nhiên, số đoàn khiếu nại tố cáo đông người lại tăng tới 10,2% so với năm 2016.

Đối với vấn đề giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết các cơ quan hành chính nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, giải quyết 528 vụ việc. Hiện có 15 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, kéo dài.

Đáng chú ý, ông Khái cho biết qua vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập danh sách, phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

Thẩm tra báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã có các chuyển biến tích cực dù diễn biến vẫn phức tạp, gay gắt và khó lường.

Trong đó, số đơn khiếu nại tố cáo vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở; số vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, đông người, bức xúc cũng chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai…

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ trong các nguyên nhân dẫn tới khiếu nại tố cáo vẫn phức tạp, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan; đâu là nguyên nhân đã phát sinh từ những năm trước, đâu là nguyên nhân mới phát sinh trong năm nay.

“Đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn nguyên nhân dẫn đến số đoàn khiếu nại tố cáo giảm nhiều nhưng số đoàn đông người lại tăng 10,2% so với năm 2016” - ông Định nhấn mạnh.

Cũng theo ông Định, trong số các nguyên nhân, có nguyên nhân từ việc lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết, nhất là từ cơ sở. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Giảm gần 3.000 vụ việc được giải quyết so với năm 2016

Về công tác tiếp công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 352.102 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 8,5% so với năm 2016), với 220.015 vụ việc, có 4.621 đoàn đông người (tăng 10,2%).

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, kết quả đó cho thấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, điều đáng nói là dù số đơn và số vụ việc khiếu nại tố cáo giảm nhưng tình hình khiếu nại tố cáo vẫn chưa thực sự chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ vụ việc được giải quyết vẫn chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra (85%), số vụ việc được giải quyết giảm 2.997 vụ việc so với năm 2016.

“Đặc biệt, mặc dù đã được chấn chỉnh bằng nhiều biện pháp nhưng tỷ lệ cơ quan, đơn vị vi phạm pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn không giảm; nhiều vụ việc giải quyết chậm, sai sót về trình tự, thủ tục là lý do dẫn đến khiếu nại vượt cấp lên Trung ương” - ông Định chỉ rõ.

Trình bày báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện cho biết, Quốc hội nhận được tổng số 42.855 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 167 đơn so với cùng kỳ); trong đó có 28.023 đơn trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung,…(chiếm 65,39%).

Sau khi nghiên cứu xem xét, đã chuyển 7.121 đơn đủ điều kiện xử lý tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đạt tỷ lệ 48,01% (tăng so với cùng kỳ 1.661 văn bản chuyển), đã nhận được 3.591/7.121 văn bản trả lời đạt tỷ lệ 50.43% (tăng so với cùng kỳ 100 văn bản).

Trong đó, đơn thư thuộc lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại tập trung chủ yếu vào các vấn đề về đất đai (chiếm khoảng 60 - 65% tổng số đơn thư), đặc biệt là việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, người dân chưa đồng tình với khung giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở còn để kéo dài; về giải quyết chính sách đối với người có công còn chậm,....

“Tố cáo chủ yếu là đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, ngân sách và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nội dung kiến nghị, phản ánh chủ yếu về chủ trương phát triển kinh tế xã hội, về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách, pháp luật về đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp; về biện pháp chống tham nhũng, lãng phí; về sửa đổi bổ sung một số chính sách pháp luật liên quan đến thuế, phí, lệ phí”- bà Hải nói.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan và các địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai đặc biệt liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị theo Điều 62 Luật Đất đai, để có giải pháp phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất trong thời gian tới.

Thế Kha