1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Siết” thuế xuất, nhập khẩu có thể tăng thu 1.200 tỷ đồng?

(Dân trí) - Với yêu cầu của UB Thường vụ Quốc hội về việc đánh giá cụ thể tác động khi sửa luật Thuế xuất, nhập khẩu hiện hành với khả năng tăng/giảm thu ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến có thể tăng thu 1.200 tỷ đồng từ việc không miễn thuế cho dự án ODA…

 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời các câu hỏi về việc dự báo tác động của luật mới tới vấn đề tăng/giảm thu ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời các câu hỏi về việc dự báo tác động của luật mới tới vấn đề tăng/giảm thu ngân sách.

Ngày 21/9, dự thảo luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về thuế phòng vệ để xây dựng môi trường kinh tế lành mạnh. Những quy định để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng đã được bổ sung.

Dự thảo luật sẽ thu gọn số lượng mức thuế suất, từng bước đơn giản biểu thuế, thực hiện mã số hàng hóa thống nhất theo cam kết quốc tế và sửa đổi quy định về phương pháp tính thuế.

Một trong các vấn đề được cơ quan thẩm tra (UB Tài chính - Ngân sách) và nhiều ý kiến tại UB Thường vụ Quốc hội quan tâm là việc sửa đổi tác động đến ngân sách như thế nào. Chính phủ đánh giá, về cơ bản các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật không gây tác động nhiều đến kim ngạch, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng như số thu cho ngân sách Nhà nước từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trong số các nội dung sửa đổi, có nội dung có thể làm giảm thu, có nội dung có thể làm tăng thu trực tiếp cho ngân sách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cụ thể, dự kiến tăng thu 1.200 tỷ đồng, bao gồm từ các quy định không miễn thuế hàng hóa tạo tài sản cố định cho dự án ODA, không miễn thuế ô tô là phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân trên 24 chỗ ngồi trở lên.

Hay từ quy định phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ phải là loại sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư, hoạt động dầu khí, đóng tàu.

Quy định không miễn thuế trang thiết bị nhập khẩu lần đầu đối với các dự án đầu tư khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn…cũng nằm trong danh mục có thể tăng thu.

Ngoài ra còn có các quy định không miễn thuế nhập khẩu phương tiện vận tải (ô tô, xe máy) trong nước đã sản xuất được phục vụ an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo.

Và quy định người nộp thuế bao gồm cả người kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng hàng hóa nhập khẩu chưa nộp thuế, người thu gom hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Ở mặt khác, con số dự kiến tác động giảm thu trực tiếp khi dự án luật có hiệu lực thi hành là 800 tỷ đồng. Các quy định mới tác động đến số giảm này gồm miễn thuế cho hàng hóa theo chế độ tạm nhập hay miễn thuế tạo tài sản cố định đối với dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra còn có quy định miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Chính phủ cũng ước tính, mức độ giảm thu ngân sách trung bình trong giai đoạn 2016 – 2025 của các Hiệp định thương mại tự do đã ký này vào khoảng 77 triệu USD/năm. Như vậy, tương đương giảm thu ngân sách về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 1.700 tỷ đồng/năm.

Tác động giảm thu gián tiếp từ chuyển hướng thương mại là khi các nhà nhập khẩu thay thế hàng hóa nhập khẩu từ các nước ngoài FTA sang nhập từ các nước trong FTA để được hưởng ưu đãi về thuế cũng được dự báo.

Theo đó, ảnh hưởng của chuyển hướng thương mại là khoảng 11.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2025, trung bình giảm thu mỗi năm là 1.110 tỷ đồng.

Góp ý thêm về một số vấn đề, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ ràng và minh bạch hơn về quy định miễn thuế để trả lời được câu hỏi, sẽ miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định?

Nhận xét quan ngại của cơ quan thẩm tra về việc bất minh trong hoạt động miễn thuế với những mặt hàng tạm nhập tái xuất rất có cơ sở, bà Nga nhận xét, trên thực tế, việc này rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Bà Nga lấy ví dụ với mặt hàng xăng dầu, theo thống kê, 4 năm qua, có 2 triệu tấn xăng, dầu được tạm nhập nhưng không thấy tái xuất và đặt câu hỏi, các mặt hàng tạm nhập tái xuất nào thường vụ lách luật, bị lợi dụng? Bà Nga đề nghị rà soát lại với một loạt mặt hàng để xem mức độ thất thu thuế ra sao, tác động xấu đến sản xuất trong nước thế nào.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì đề nghị lưu ý đến tác động với những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ lo lắng đối với ngành nông nghiệp khi hiện tại, thịt gà Mỹ, thịt bò Úc… đã tràn vào cạnh tranh gay gắt với sản phẩm trong nước. Khi chính sách thuế nhập khẩu thay đổi, người tiêu dùng được sử dụng nhiều mặt hàng với giá thấp hơn nhưng một số ngành sẽ rất khó khăn, như chăn nuôi nhỏ lẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Bởi qua nhiều năm hội nhập cho thấy tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng tăng trưởng giảm, cạnh tranh kém. Hàng loạt dự án nước ngoài đầu tư lớn vào ô tô, máy tính, điện tử, viễn thông... nhưng bên trong không có công nghiệp phụ trợ.

P.Thảo