1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Siết” một loạt luật để chống làm oan, sai người dân

(Dân trí) - Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hình sự, hạn chế thời hạn tạm giam cá nhân, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không làm oan công dân, đảm bảo quyền, chế độ của người bị giam giữ chờ thi hành án tử hình… là những nội dung thống nhất trong hệ thống luật tố tụng hình sự.

 

Vụ án oan mới nhất được làm rõ với người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén.
Vụ án oan mới nhất được làm rõ với "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén.

1/7/2016, thả ngay người bị tạm giam quá hạn của luật mới

Tại cuộc họp báo công bố Bộ Luật Tố tụng hình sự chiều 18/12, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong đã cho biết một số điểm nhấn đáng chú ý.

Theo đó, bộ luật đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Như công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; các cơ quan tố tụng thực hiện theo nguyên tắc suy đoán vô tội; không ai bị kết án hai lần vì một tội danh, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bộ luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật địnhtrình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập của thực tiễn. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đồng thời hướng đến phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp, tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.

Các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân cũng được quy định chặt chẽ.  Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự; cụ thể hóa các căn cứ được coi là cản trở điều tra, truy tố, xét xử nhằm tránh lạm dụng…

Các quy định của bộ luật cũng hướng đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án hình sự, chống sự tùy nghi, lạm dụng.

Để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng tư pháp, bộ luật quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại nơi giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Luật cũng bắt buộc kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo Nghị quyết thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực thi hành (1/7/2016), đối với những vụ án do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát, tòa án đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền mà chưa kết thúc, các cơ quan này tiếp tục giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, còn các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật năm 2015.

Những bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến ngày 1/7/2016 không được tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của Bộ luật năm 2015 thì viện kiểm sát, tòa án quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Không làm oan người vô tội

 

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh trình bày về 2 luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh trình bày về 2 luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Cũng trong chiều 18/12, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 được công bố.

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính - Bộ Công an, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được xây dựng, ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Luật cũng đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.

Với 11 Chương, 73 Điều, Luật quy định cụ thể về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam; người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Luật cũng quy định việc kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam…

Với Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh, luật đã ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.

Các quy định của luật cũng bảo đảm trong hoạt động điều tra hình sự, sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm