Siết chặt thẩm định dự án sử dụng vốn ODA
(Dân trí) - Bộ Tư pháp vừa đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.
Theo Điều 2 của dự thảo, trước khi tiến hành thẩm định chương trình, dự án hợp tác pháp luật sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 38/2013 về quản lý và sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (gọi là Nghị định số 38/2013), cơ quan chủ quản gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật kèm theo công văn đề nghị thẩm định.
Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp gửi cơ quan chủ quản văn bản thẩm định để tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để theo dõi.
Hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật bao gồm bản thuyết minh về chương trình, dự án hợp tác pháp luật và các tài liệu theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 38/2013 hoặc các tài liệu theo quy định tại Điều 12 của Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
Bản thuyết minh về chương trình, dự án hợp tác pháp luật phải gồm những nội dung như: Sự cần thiết, mục tiêu của chương trình, dự án; nội dung hợp tác pháp luật trong chương trình, dự án; thông tin về tư cách pháp lý, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hợp tác, thái độ đối với Nhà nước Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài; dự báo hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình, dự án; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức Việt Nam và cơ quan tổ chức nước ngoài; dự kiến thời gian, tiến độ thực hiện, kết quả hợp tác và kinh phí; dự báo những nhân tố bất lợi có thể có trong quá trình thực hiện nội dung hợp tác pháp luật.
Để bảo đảm sự đầy đủ, khách quan và chính xác, dự thảo thông tư quy định cơ chế phối hợp liên ngành, cụ thể là trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp mời Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự cuộc họp tư vấn thẩm định.
Ngoài ra, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương khi phát hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 Điều 18 của Nghị định số 113/2014, có trách nhiệm xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật do mình phê duyệt.
Trong trường hợp chương trình, dự án, viện trợ phi dự án do cơ quan khác phê duyệt, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh kiến nghị cơ quan phê duyệt chương trình, dự án, viện trợ phi dự án xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật đó.
Theo dự thảo, trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật, khi phát hiện các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 Điều 18 của Nghị định số 113/2014, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật do mình phê duyệt hoặc kiến nghị cơ quan phê duyệt chương trình, dự án, viện trợ phi dự án xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ.
Khoản 2, 3 Điều 18 của Nghị định 113 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật bị đình chỉ trong trường hợp không tiến hành hoạt động trong khuôn khổ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật trong vòng 12 tháng liên tục kể từ ngày được duyệt (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép).
Ngoài ra, chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật bị đình chỉ toàn bộ hoặc một phần khi thuộc một trong các trường hợp sau: việc thực hiện phát sinh các hoạt động gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; không tiến hành hoạt động trong khuôn khổ trong vòng 24 tháng liên tục kể từ ngày được phê duyệt (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép).
Thế Kha