Quảng Bình:
"Shipper xanh" vừa đi chợ vừa giúp dân tiêu thụ nông sản
(Dân trí) - Khi mô hình "shipper xanh" đi vào hoạt động, người dân tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) dù ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội vẫn có đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Đó là mô hình đang được triển khai thực hiện hiệu quả tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Mô hình được xã Trung Trạch triển khai nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi tại Quảng Bình phát hiện hàng trăm ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Mô hình đi chợ giúp người dân tại xã Trung Trạch do Đoàn thanh niên xã này phụ trách.
Có "shipper xanh", người dân sẽ có đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu để dùng dù đang ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội, bên cạnh đó còn góp phần giúp cho những người trồng nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn, thỏa mãn 2 yếu tố "cung- cầu" một cách hợp lý trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh.
Theo anh Trần Nam Trung, Bí thư Đoàn xã Trung Trạch, đơn vị này đã huy động 30 đoàn viên, thanh niên có sức khỏe tốt, chia làm 3 tổ để điều hành, nhận hàng, giao hàng đến tận nhà người dân.
Tổ điều hành phân công trực 24/24h có nhiệm vụ kết nối các cửa hàng, nơi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, niêm yết giá, chia sẻ lên địa chỉ Facebook; đồng thời xử lý thông tin cho người cần mua sau khi hai bên đã tự thỏa thuận và lập đơn hàng chuyển tổ shipper.
Đội ngũ "shipper xanh" xã Trung Trạch cũng đã đăng tải thông tin, số điện thoại trên mạng xã hội và qua loa phát thanh xã, từ đó người dân ai cần mua gì sẽ liên hệ để các đoàn viên, thanh niên mua và mang đến tận nhà. Việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho bà con đều bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đi vào hoạt động từ chiều 30/8, các tình nguyện viên của đội "shipper xanh" xã Trung Trạch mỗi ngày giao nhận trên 400 đơn hàng cho bà con. Cũng trong 4 ngày qua, từ địa chỉ "shipper xanh Trung Trạch", các tình nguyện viên đã giải quyết đầu ra, trao đổi hàng hóa với gần 1,5 tấn thịt heo, gà, vịt, ngan; 1.500 quả trứng, gần 1 tấn tôm và trên 1 tấn rau, củ, quả các loại…
"Trong thời gian tới, khi hoạt động ổn định hơn, Đoàn xã Trung Trạch sẽ tham mưu xin ý kiến cấp trên để mở rộng địa bàn phục vụ, hỗ trợ các xã lân cận, vừa giúp bà con "đi chợ" vừa giúp người dân trao đổi, tiêu thụ sản phẩm", anh Trần Nam Trung cho biết thêm.
Nói về "shipper xanh" của đoàn viên, thanh niên xã Trung Trạch, ông Trần Văn Minh (85 tuổi), trú thôn 5 cho hay, nhờ có mô hình này mà ông không còn phải lo hết lương thực, thực phẩm thiết yếu trong những ngày giãn cách xã hội nữa.
"Vợ chồng tôi già cả, con cái ở xa nên giờ giãn cách vì dịch bệnh sợ nhất là không mua được thực phẩm. Rất may là các cháu đoàn viên, thanh niên hỗ trợ, cần gì cứ điện thoại là các cháu mua đến tận nơi. Vợ chồng tôi cứ thế mà yên tâm ở nhà, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19", ông Minh nói.
Không chỉ hỗ trợ mua, bán thực phẩm thiết yếu, đội ngũ "shipper xanh" xã Trung Trạch cũng thường xuyên trao đổi thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo bà con nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch cho biết, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với huyện, tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, xã Trung Trạch đã thành lập 9 chốt kiểm soát người ra vào trên địa bàn; đồng thời xã cũng thành lập các ban bảo đảm công tác hậu cần, an ninh trật tự…
Bên cạnh việc triển khai "shipper xanh" hỗ trợ người dân mua thực phẩm, xã Trung Trạch cũng đang triển khai mô hình trao đổi thực phẩm. Theo đó các thôn sẽ chọn một địa điểm phù hợp đặt một chiếc bàn. Bà con ai có rau, củ, quả gì mang đến để gọn gàng lên bàn, nhà ai cần gì thì đến lấy về dùng, gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm.