1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sếu đầu đỏ về Tràm Chim sau 2 năm vắng bóng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Sau hai năm mất dấu, bốn con sếu đầu đỏ tìm về Vườn quốc gia Tràm Chim, bay lượn và đậu lại khoảng nửa giờ.

Sáng 8/3, thông tin với phóng viên Dân trí, ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim xác nhận, một đàn sếu đầu đỏ gồm 4 con đã quay trở lại đây. Đàn sếu đáp xuống vùng lõi khu bảo tồn vào trưa 7/3, khảo sát, kiếm ăn khoảng 30 phút trước khi rời đi.

"Chúng tôi rất mừng vì sau 2 năm vắng bóng sếu đã quay về. Chúng tôi đang tiến hành các hạng mục phục hồi hệ sinh thái trong dự án bảo tồn sếu", ông Nhanh cho biết thêm.

Sếu đầu đỏ về Tràm Chim sau 2 năm vắng bóng - 1

Đàn sếu quay lại VQG Tràm Chim kiếm ăn sau 2 năm không về (Ảnh: Cắt từ clip).

Hiện tại, Vườn quốc gia Tràm Chim đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24 tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác (nơi sếu từng kiếm ăn) cũng như các vùng lân cận để giám sát.

Ông Nhanh cho biết thêm, Vườn đã cử lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt ong, khai thác tài nguyên bên trong, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Ban quản lý khu bảo tồn cũng tăng cường bổ sung thêm nguồn thức ăn phụ (lúa) cho chim sếu khi quần thể sếu đã ổn định, nhằm thu hút các cá thể sếu về ngày một đông hơn.

Tại Việt Nam, Tràm Chim là nơi sếu đầu đỏ thường di cư đến kiếm ăn và sinh sống. Có thời điểm vườn quốc gia này ghi nhận khoảng 1.000 con, song sau đó số lượng giảm dần qua các năm.

Từ năm 2021, đàn sếu về chỉ 3 con và bắt đầu vắng bóng đến nay. Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ được UBND tỉnh Đồng Tháp thông qua, có thời hạn 10 năm, kết thúc vào năm 2032.

Sếu đầu đỏ về Tràm Chim sau 2 năm vắng bóng - 2

Cán bộ kỹ thuật ở Tràm Chim đang thuyết minh về nhà lồng phục vụ bảo tồn sếu (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trong gần 185 tỷ đồng tổng kinh phí đề án, có 56 tỷ đồng sẽ được dùng để chuyển giao và gây đàn sếu. Phần tiền còn lại sẽ chi cho việc phục hồi sinh cảnh, xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững và các chi phí liên quan. Dự kiến trong 10 năm, sẽ có 60 con sếu được Thái Lan chuyển giao.

Cũng trong thời gian này, đàn sếu sẽ sinh sản thêm tại Tràm Chim, kỳ vọng có ít nhất 50 con thích nghi tốt, sống quanh năm trong môi trường tự nhiên của khu vực.