1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Sếp” không thể sa thải nhân viên là đại biểu Quốc hội?

(Dân trí) - Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội đưa ra quy định rất chặt về quyền miễn trừ của đại biểu QH. Chính phủ nêu trường hợp, đại biểu Quốc hội làm việc ở khu vực tư nhân cũng không thể bị đơn vị sa thải nếu không được UB Thường vụ QH đồng ý?

Tham gia ý kiến cho dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi theo công văn yêu cầu của UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay mặt Chính phủ gửi văn bản góp ý nhiều nội dung đến Quốc hội trước phiên thảo luận về dự án luật này sáng 16/6.

Về vấn đề nâng cấp Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội thành một UB của Quốc hội, Chính phủ chỉ ủng hộ hướng nâng cấp Ban này lên thành một Ban của Quốc hội chứ không nâng lên thành UB để phù hợp với tính chất công việc và bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban. Lý do đưa ra, cơ chế hoạt động tập thể của UB sẽ không phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan đầu mối tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội...

Phiên thảo luận trước đó tại các đoàn đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận nhiều ý kiến “can gián” việc nâng cấp Ban này thành một UB với nhiều lo ngại việc này sẽ làm phình thêm bộ máy, phát sinh nhân sự…
“Sếp” không thể sa thải nhân viên là đại biểu Quốc hội?
Dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi đưa ra quy định đại biểu QH không thể bị cơ quan cách chức, sa thải nếu không được UB Thường vụ đồng ý (ảnh: Việt Hưng).

Vấn đề này liên quan đến các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các UB của Quốc hội, phía Chính phủ đề nghị luật mới cần được thể hiện theo hướng tăng cường sự phối hợp, phân công, kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tránh hành chính hóa hoạt động của UB Thường vụ.

Với các quy định về đại biểu Quốc hội, ủng hộ quan điểm tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên 35% nhưng Chính phủ cũng chỉ rõ, dự luật chưa có cơ chế để phát huy vai trò của các đại biểu. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị nghiên cứu, rà soát, quy định rõ nhiệm vụ của đại biểu chuyên trách ở trung ương và địa phương để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả hoạt động của các đại biểu này khi Luật có hiệu lực thi hành.

Lăn tăn với một quy định khác về quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội, đại diện Chính phủ dẫn khoản 4, Điều 55 dự thảo Luật: “đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý”.

Phía Chính phủ đề nghị cân nhắc quy định này vì hướng thể hiện không phù hợp với quy định của nhiều luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật viên chức... Bộ trưởng Tư pháp dẫn chứng, đối với các đại biểu Quốc hội làm việc trong khu vực tư nhân, khi đại biểu Quốc hội không còn khả năng cống hiến, đóng góp cho công ty, doanh nghiệp nơi họ làm việc mà vẫn đòi hỏi các công ty, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với các đại biểu Quốc hội nếu không được sự đồng ý của UB thường vụ Quốc hội là không hợp lý, không phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế thị trường.

Về nội dung quyền miễn từ của đại biểu Quốc hội, tập hợp ý kiến tại phiên thảo luận ghi nhận ý kiến đề nghị bổ sung quy định đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan báo chí đưa tin xúc phạm, bôi nhọ, việc đưa tin phải có ý kiến của trưởng đoàn.
 
“Sếp” không thể sa thải nhân viên là đại biểu Quốc hội?
Tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách và kiêm nhiệm hiện nay vẫn là vấn đề nhận nhiều tranh luận trái chiều (ảnh: Việt Hưng).

Với các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có quy định bỏ phiếu tín nhiệm, tập hợp thảo luận dự án luật tại tổ cũng phản ánh ý kiến đại biểu đề nghị coi việc này như một sáng kiến lập pháp, không nhất thiết phải đủ kiến nghị của 20% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ý kiến khác đề nghị quy định tỷ lệ số lượng đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm là 30% hoặc là 15%.

Có ý kiến đề nghị trước kỳ họp 1 tháng, UB Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi đại biểu Quốc hội đề xuất ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm, sau đó tổng hợp đề xuất của đại biểu Quốc hội để có cơ sở báo cáo Quốc hội. Ý kiến khác cho rằng, ngay từ đầu kỳ họp, UB Thường vụ Quốc hội phải phát phiếu cho đại biểu Quốc hội để ghi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

P.Thảo