1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Sea Saigon kiện Bảo Việt

Ngày 29/11 tới, tại TAND TPHCM, Công ty vận tải biển Sài Gòn (Sea Saigon) "đứng" nguyên đơn sẽ hòa giải với Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cho tàu Cần Giờ khi <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2005/8/73820.vip"> bị giam giữ tại Tanzania</a>. Sea Saigon mong muốn Bảo Việt "gánh" một phần thiệt hại xảy ra.

Phó tổng giám đốc Sea Saigon Phạm Hồng Sơn cho biết, trong lần hòa giải này, Sea Saigon hạ mức yêu cầu bồi thường và mong muốn thỏa thuận với Bảo Việt để công ty này "chi" hỗ trợ một phần trong tổng thiệt hại 1,1 triệu USD của tàu Cần Giờ khi bị giam giữ tại Tanzania.

 

Ngày 26/7, trong đơn khởi kiện gửi tới tòa, Sea Saigon đòi Bảo Việt bồi thường như hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa 2 bên là toàn bộ giá trị thân tàu 1.050.000 USD. Theo ông Sơn, vào thời điểm đó, do công ty chưa lấy được tàu Cần Giờ nên mức bồi thường chỉ mới là định tính trên giá trị thân tàu.

 

"Hiện nay chúng tôi đã lấy được tàu về nên phải thay đổi lại yêu cầu bồi thường. Chúng tôi chỉ đề nghị Bảo Việt hỗ trợ một phần chi phí cho những thiệt hại vừa qua", ông Sơn nói.

 

Trong khi đó, đại diện Bảo Việt tại TPHCM tỏ ra ngạc nhiên trước tin công ty bị Sea Saigon đưa ra tòa. "Cho đến nay giữa Bảo Việt và Sea Saigon chưa có những công văn nào để bàn về vấn đề bồi thường thiệt hại cho tàu Cần Giờ cũng như chưa phát sinh tranh chấp", ông Nguyễn Văn Công, Phòng tổng hợp pháp chế Bảo Việt TPHCM cho biết. Theo ông Công, thư triệu tập của tòa án gửi cho Bảo Việt cũng ghi rõ mục đích buổi làm việc tại tòa ngày 29/11 sắp tới là "thông báo về đơn khởi kiện và hòa giải" với Sea Saigon. Trước đó mặc dù rủi ro của tàu Cần Giờ không nằm trong trách nhiệm bảo hiểm của Bảo Việt, song theo ông Công, Bảo Việt đã hỗ trợ Sea Saigon bằng cách bảo lãnh tàu Cần Giờ với khoản kinh phí 20.000 USD thông qua đối tác nước ngoài.

 

Tàu Cần Giờ đã được chủ sở hữu là Sea Saigon mua bảo hiểm thân tàu tại Bảo Việt theo đơn bảo hiểm cấp ngày 29/12/2003 và ngày 31/12/2004 với mức trách nhiệm bảo hiểm tùy theo tổn thất của từng sự cố, trong đó mức giới hạn dưới là 2.000 USD và mức giới hạn trên là toàn bộ giá trị thân tàu. Hằng năm, tàu Cần Giờ trả mức phí bảo hiểm cho Bảo Việt tổng cộng gần 30.000 USD.

 

Sự cố bị giam giữ của tàu Cần Giờ tại Tanzania từ tháng 7/2004 được Sea Saigon xem như rủi ro ngoài ý muốn của chủ tàu và đề nghị Bảo Việt chi trả bồi thường thiệt hại. Song phía Bảo Việt cho rằng rủi ro ngoài ý muốn chủ tàu và rủi ro có yếu tố chính trị nên không nằm trong trách nhiệm bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm, từ chối chi trả. Không đồng ý với lập luận này, Sea Saigon khởi kiện Bảo Việt tại tòa TPHCM. Luật sư Phạm Liêm Chính thuộc Đoàn luật sư Hà Nội sẽ đại diện cho Sea Saigon trong quá trình làm việc và tranh tụng tại tòa.

 

Theo Phan Anh
VnExpress