Sẽ xử lý nghiêm việc chiếm dụng vốn chính sách
(Dân trí) - “Đối tượng thụ hưởng nguồn vốn chính sách là người nghèo. Nơi nào thực hiện sai cần xử lý nghiêm, không được dung túng!” - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định về vụ việc “Lấy vốn chính sách cho người giàu vay” mà Dân trí đã phản ánh.
Tại buổi đối thoại trực tuyến của lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với nhân dân cả nước do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời nhiều câu hỏi mà độc giả đưa ra liên quan đến quy định về Hỗ trợ giảm nghèo theo tinh thần nghị quyết 30a của Chính phủ; Vấn đề trợ cấp, trợ giúp các đối tượng khó khăn trong xã hội, tạo việc làm cho người lao động…
Độc giả Nguyễn Ngọc An (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi: Mới đây báo Dân trí đã đăng vụ việc: “Lấy vốn chính sách cho người giàu vay”. Sự việc xảy ra ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được làm rõ, nhưng những người vi phạm vẫn không bị xử lý gây bức xúc trong nhân dân?
Về sự việc này Bộ trưởng khẳng định, chính sách cho người nghèo vay vốn được quy định rất cụ thể và kèm theo nhiều văn bản hướng dẫn. Đối tượng được hưởng vay vốn chính sách là những người nghèo. Vì thế, nơi nào thực hiện sai, lấy nguồn vốn này cho người không đúng đối tượng vay cần phải xử lý nghiêm, không được phép dung túng.
Trước phản ánh của độc giả Nguyễn Minh Thắng (Yên Bái): Hiện nay, ở một số địa phương, việc bình xét hộ nghèo chưa dân chủ, công khai, dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo thật sự nhưng không được sự hỗ trợ của Nhà nước. Bộ trưởng Ngân cho rằng, tình trạng này không phổ biến nhưng tại nơi này, nơi khác vẫn để xảy ra.
Để chấm dứt tình trạng một bộ phận người nghèo không nhận được trợ cấp, sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ chấn chỉnh việc bình xét, rà soát, nhất là khi có chuẩn nghèo mới, để chống lại việc lợi dụng chính sách để làm sai.
Trước nỗi lo lắng nước ta hiện có trên 55.000 lao động nước ngoài đang làm việc, phải chăng do sự yếu kém về trình độ của lao động nội địa? Bộ trưởng Ngân cho rằng, hiện nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế, nên việc dịch chuyển lao động giữa các nước là chuyện bình thường. Vấn đề là những lao động này đến có hợp pháp hay không?
Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng thừa nhận tình trạng không ít doanh nghiệp FDI vi phạm pháp luật để bóc lột sức lao động của công nhân. Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường quản lý nhà nước bằng các công cụ pháp luật. Nếu không làm tốt khâu thanh, kiểm tra thì việc vi phạm lách luật của các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp FDI sẽ vẫn diễn ra.
Đối với công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Ngân khẳng định, chưa bao giờ, hệ thống chính sách an sinh được ban hành nhiều như 2 năm qua. Theo thống kê, có khoảng 20 nhóm chính sách với 50 chính sách cụ thể.
Đặc biệt đầu năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a, nhằm giảm nghèo bền vững cho 20 tỉnh có 62 huyện nghèo nhất nước (có tỷ lệ nghèo trên 50%), trong đó đẩy mạnh công tác giúp người nghèo ở các huyện này xuất khẩu lao động…
Phạm Thanh