1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẽ “xóa sổ” toàn bộ các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt

(Dân trí) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đường sắt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu rõ, đến năm 2025 phải hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý.

Đây được cho là giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Theo dự thảo, lộ trình thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở phải được duy trì liên tục thực hiện hàng năm.

Cụ thể, đến năm 2020, phải hoàn thành xây dựng hồ sơ quản lý đối với các lối đi tự mở theo quy định của Nghị định này; thực hiện các biện pháp để tăng cường điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tại lối đi tự mở theo quy định;

Kiểm tra rà soát các lối đi tự mở và các dự án liên quan đến an toàn giao thông đường sắt, đường bộ để điều chỉnh, lập kế hoạch thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở này; tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; thu hẹp chiều rộng xuống dưới 3m đối với toàn bộ các lối đi tự mở có chiều rộng từ 3m trở lên.

Đường ngang dân sinh tự mở qua đường sắt gây mất an toàn giao thông (ảnh: Internet)
Đường ngang dân sinh tự mở qua đường sắt gây mất an toàn giao thông (ảnh: Internet)

Năm 2025, phải hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại. Dự thảo nêu rõ các biện pháp để kiềm chế không phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt, như: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động giao thông đường sắt và an toàn giao thông. Lập kế hoạch và lộ trình thực hiện thu hẹp bề rộng lối đi, xóa bỏ lối đi tự mở theo quy định.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tại lối đi tự mở, tổ chức giao thông hợp lý, thực hiện các biện pháp hạn chế số lượng và tốc độ của các phương tiện giao thông đường bộ trước khi đi vào lối đi tự mở; thu hẹp bề rộng các lối đi tự mở qua đường sắt không cho phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ qua lại trừ mô tô hai bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); duy trì đầy đủ các biển cảnh báo tại khu vực lối đi tự mở theo quy định.

Giảm số lượng, xóa bỏ các lối đi tự mở, thực hiện xóa bỏ ngay các lối đi tự mở được xác định là điểm đen tai nạn giao thông đường sắt; thực hiện theo lộ trình xóa bỏ các lối đi tự mở được xác định là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt hoặc cải tạo, nâng cấp các lối đi này thành các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ phù hợp với quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng đường gom và hàng rào bảo vệ nối vào các đường ngang, các vị trí giao nhau khác mức để giảm số lượng lối đi tự mở qua đường sắt.

Tổ chức thực hiện kiềm chế không phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp bề rộng, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. UBND cấp huyện nơi có lối đi tự mở chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức có trách nhiệm thu hẹp bề rộng lối đi và thực hiện việc xóa bỏ, hoặc cải tạo, nâng cấp lối đi tự mở thành các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ phù hợp với quy hoạch;

Cảnh báo nguy hiểm nơi giao cắt với đường sắt (ảnh: Duy Tuyên)
Cảnh báo nguy hiểm nơi giao cắt với đường sắt (ảnh: Duy Tuyên)

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động giao thông đường sắt và an toàn giao thông; lập kế hoạch và lộ trình thực hiện thu hẹp bề rộng lối đi, xóa bỏ lối đi tự mở theo quy định; duy trì đầy đủ các biển cảnh báo tại khu vực lối đi tự mở theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, kinh phí để quản lý, giảm, xóa bỏ đối với lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng do địa phương bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương.

Kinh phí để quản lý, giảm, xóa bỏ đường ngang trên đường sắt chuyên dùng hoặc các đường ngang do tổ chức, cá nhân sử dụng được xác định là vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt do chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, tổ chức, cá nhân sử dụng chịu trách nhiệm.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở, các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm