1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Sẽ thí điểm chi trả dịch vụ hấp thu và lưu trữ cac-bon của rừng

(Dân trí) - Chiều 22/11, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và TT-Huế phối hợp với Dự án Trường Sơn xanh do USAID tài trợ đã tiến hành buổi họp bàn về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thu và lưu trữ cac-bon của rừng (C-PFES) tại 2 địa phương Quảng Nam và TT-Huế.

Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, mục đích của thí điểm nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện chi trả một loại dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) rất có tiềm năng là hấp thụ và lưu giữ cac-bon để giảm phát thải khí nhà kính và tăng thêm nguồn thu tiền DVMTR nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, làm nền tảng cho sự tăng trưởng xanh và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của tỉnh.

Buổi họp bàn thí điểm chính sách chi trả dịch vụ hấp thu và lưu giữ cac-bon của rừng (C-PFES) thuộc hai tỉnh Quảng Nam và TT.Huế
Buổi họp bàn thí điểm chính sách chi trả dịch vụ hấp thu và lưu giữ cac-bon của rừng (C-PFES) thuộc hai tỉnh Quảng Nam và TT.Huế

Góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam: Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải nhà kính, trong đó giảm 20% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP và tăng độ che phủ rừng lên 45%. Đồng thời, làm cơ sở nghiên cứu để chính phủ đưa ra chính sách triển khai rộng rãi trên toàn quốc…”.

Quảng Nam và TT-Huế là 2 địa bàn được chọn để nghiên cứu tính khả thi triển khai C-PFES. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của nhóm tư vấn C-PFES, trữ lượng cac-bon rừng tại Quảng Nam đạt hơn 266 triệu tấn CO2, khả năng hấp thụ khoảng 10,6 tấn CO2/ha/năm, trữ lượng tại TT-Huế đạt hơn 117 triệu tấn CO2, khả năng hấp thụ khoảng 12,1 tấn CO2/ha/năm.

TS.Nguyễn Chí Thành (Tư vấn của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ) đại diện nhóm tư vấn đề xuất, mức chi trả C-PFES cho các cơ sở phát thải có lượng phát thải vượt quá ngưỡng 25.000 tCO²/năm hoặc các tập đoàn sản xuất có lượng phát thải vượt ngưỡng 100.000 tCO²/năm, gồm các nhà máy điện đốt than (nhiệt điện), sản xuất thép,xi măng và vận tải.

Nhóm tư vấn xác định các đối tượng tham gia thí điểm chi trả tiền C-PFES để UBND tỉnh Quảng Nam và TT-Huế tham khảo đưa ra quyết định: Công ty CP kính nổi Chu Lai, Công ty CP Prime Đại Lộc sản xuất VLXD từ đất sét, Công ty CP than điện Nông Sơn sản xuất nhiệt điện-khai thác than, Công ty CP Xuân Thành huyện Nam Giang sản xuất xi măng (thuộc tỉnh Quảng Nam); Công ty xi măng Đồng Lâm huyện Phong Điền, Công ty xi măng Luks thị xã Hương Trà (thuộc tỉnh TT-Huế).

Quảng Nam và TT-Huế đưa ra quan điểm thống nhất về mức chi trả dịch vụ đối với các đối tượng có lượng phát thải CO² lớn trên địa bàn…để trình lên Bộ NN-PTNT trình chính phủ phê duyệt
Quảng Nam và TT-Huế đưa ra quan điểm thống nhất về mức chi trả dịch vụ đối với các đối tượng có lượng phát thải CO² lớn trên địa bàn…để trình lên Bộ NN-PTNT trình chính phủ phê duyệt

Bên cạnh đó, nhóm tư vấn cũng đề xuất công thức xác định mức chi trả tiền DVMTR C-PFES để 2 tỉnh cân nhắc: Mức chi trả tiền C-PFES (M)= Tỷ lệ % của tổng lượng phát thải của cấp lớn nhất so với tổng lượng phát thải của tất cả các cơ sở (C%) * Giá trị kinh tế của dịch vụ C-PFES trong tỉnh (đồng/ha/năm) (G).Qua cuộc họp bàn hai tỉnh cũng đã đưa ra những thông tin cụ thể về đối tượng chi trả tiền DVMTR (tổng lượng phát thải CO² gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như đưa ra giá tiền dự toán của dịch vụ…), đối tượng tham gia thí điểm, xác định vị trí diện tích khu rừng thí điểm, hình thức chi trả tiền DVMTR và quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức-đối tượng có liên quan trong thực hiện thí điểm…. để họp bàn, tìm kiếm tiếng nói chung thống nhất trong việc xây dựng đề án thí điểm chi trả DVMTR.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - nêu quan điểm, tỉnh Quảng Nam có cách nghĩ riêng về sử dụng chi trả DVMTR không phải là giao rừng cho các đối tượng hộ nghèo mà sẽ giao cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đảm nhiệm.

Bởi vì hộ nghèo thì sẽ có rất nhiều chính sách nhà nước áp dụng riêng, còn về bảo vệ rừng và phát triển rừng thì cần lực lượng chuyên nghiệp, đó là bài học mà Quảng Nam đã có được. Quảng Nam sẽ có đề án cụ thể trình phê duyệt để có được một đội ngũ bảo vệ rừng chuyên nghiệp, chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, mỗi nhà máy sẽ có lượng phát thải khác nhau, dẫn đến lượng hấp thu CO² khác nhau và cần cách tính khác nhau để biết được tác động của doanh nghiệp đó đến môi trường như thế nào. Nếu chỉ xác định khu rừng nào để áp dụng chi phí DVMTR sẽ không có tính thuyết phục cao vì khí phát thải khác với chi phí về dịch vụ môi trường thủy điện hay du lịch…Cần tính thêm trạng thái rừng, hiện trạng, chất lượng cũng như trữ lượng rừng khác nhau tùy theo từng khu vực…

“Qua cuộc họp bàn, hai tỉnh mong muốn sẽ thống nhất cách tiếp cận, nội dung, phương pháp nghiên cứu để hoàn thiện Đề cương thí điểm và xây dựng Đề án thí điểm C-PFES; thống nhất các nội dung công việc 2 tỉnh cần làm và kế hoạch thời gian thực hiện để hoàn thành giai đoạn 1 “nghiên cứu”; UBND 2 tỉnh ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì và các cơ quan, tổ chức tham gia triển khai công việc giai đoạn 1”, ông Thanh chia sẻ thêm.

N.Linh