1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ sòng phẳng hơn khi thị trường tự điều tiết giá xăng

Đó là lời khẳng định của một số nhà nhập khẩu khi trao đổi với báo chí về việc Nhà nước trao quyền tự định giá xăng dầu cho doanh nghiệp tại Nghị định mới số 55 do Chính phủ ban hành hôm 6/4.

>> Doanh nghiệp chính thức tự quyết định giá xăng dầu

 

Ông Bùi Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết thời gian qua, các công ty kinh doanh xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được quyền định giá bán. Có như vậy, doanh nghiệp mới chủ động trong cân đối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ và người dân mới có cơ hội được hưởng giá bán lẻ theo cơ chế thị trường, có lên có xuống. Khi ấy, giá bán lẻ trong nước được tính toán dựa trên sự tăng giảm của thị trường, thuế và các loại chi phí cộng thêm. 

 

“Khi doanh nghiệp được chủ động xây dựng giá bán, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn. Cạnh tranh sẽ khiến giá thành hạ và chất lượng sản phẩm được nâng lên, khi ấy, khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi”, ông Bảo nói.

 

Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối tại TPHCM cũng nhận xét: “Hiện có rất nhiều các mặt hàng như sắt thép, xi măng, gas... cũng đang thực hiện theo cơ chế thị trường và Nhà nước điều tiết bằng các chế tài. Thị trường không hề xáo trộn mà các doanh nghiệp còn cạnh tranh nhau bằng việc hạ giá và nâng cao chất lượng để thu hút khách hàng”.

 

Ông phân tích thời gian qua, Nhà nước “cầm trịch” các thương vụ tăng giảm giá bán bằng việc cân đối doanh thu lỗ lãi của doanh nghiệp, giá dầu thế giới và khả năng chấp nhận của người dân. Cách làm này đang có những bất cập vì xử lý thường chậm và thường “lệch pha” so với biến động của thị trường. Quyết định tăng giá được ban hành khi giá dầu thế giới đã hạ xuống và ngược lại khi giảm giá bán lẻ thì dầu thế giới lại tăng.

 

Theo ông, khi áp dụng quy chế mới, Nhà nước sẽ không phải lo bù lỗ, doanh nghiệp được chủ động kinh doanh (lời ăn lỗ chịu), thị trường phản ứng linh hoạt, hạn chế xuất lậu xăng dầu và người tiêu dùng cũng chấp nhận giá bán theo sự lên xuống của giá thế giới.

 

Trưởng ban Hội nhập Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành vẫn băn khoăn: “Trao quyền định giá cho doanh nghiệp là cách mà nhiều nước trong khu vực đã làm, nhưng nó đã thực sự phù hợp với điều kiện VN hay chưa cũng cần phải tính đến”.

 

Theo ông VN chỉ có thể nói đến câu chuyện thả nổi khi đảm bảo 3 điều kiện: Thứ nhất là tính cạnh tranh. Hiện nay thị phần của các doanh nghiệp vẫn chênh lệch, trong đó Petrolimex chiếm thị phần khống chế với trên 60% với hệ thống đại lý, cửa hàng rộng khắp trên cả nước. 40% còn lại chia đều cho vài chục doanh nghiệp khác. Như vậy thị trường xăng dầu trong nước tuy không độc quyền nhưng cũng chẳng khác nào ngành bưu chính viễn thông của những năm trước khi bị thâu tóm bởi VNPT.

 

Điều kiện thứ hai là cần phải minh bạch thông tin, trong đó doanh nghiệp phải hạch toán rõ chi phí lỗ lãi và phải công bố rõ ràng. “Lâu nay, chúng ta chỉ thấy doanh nghiệp nhập khẩu kêu lỗ rồi Nhà nước rốt vốn, trong khi con số thật là bao nhiêu thì không ai rõ, khiến chúng ta có cảm giác họ muốn khai bao nhiêu cũng được”, ông Thành nói.

 

Điều kiện thứ ba được ông Thành đề cập là Nhà nước phải xử lý được các loại thuế nhập khẩu và VAT, bên cạnh đó bằng các biện pháp quản lý khác thúc đẩy phát triển thị trường có tính giao dịch ổn định, giao dịch có kỳ hạn, qua đó cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào thực tế thị trường xăng dầu VN hiện nay, tôi thấy 3 yếu tố trên đều có vấn đề và chưa đủ điều kiện để thả nổi”, ông Thành nhận xét.

 

Một chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Bất kể nền kinh tế nào cũng có cơ chế trợ giá. Trung Quốc mới đây cũng thực hiện chính sách thả nổi giá xăng dầu, song họ vẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật khác để quản lý”. Theo ông, Nhà nước vẫn phải kiểm soát, vì một khi thị trường vẫn còn mang tính nửa vời mà đã rơi vào tay doanh nghiệp thì sẽ rối loạn, ảnh hưởng đến nền kinh tế và các ngành nghề khác.

 

Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: “Khi xây dựng Nghị định mới, cơ quan chức năng đã tính hết đến điều này. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy sòng phẳng hơn khi thị trường sẽ tự điều tiết giá bán. Họ có quyền lựa chọn nhà cung cấp với giá phải chăng và cũng có quyền khởi kiện khi chất lượng có vấn đề”.

 

Tuy nhiên, theo ông Thỏa để đạt được điều này thì tới đây sẽ phải xây dựng các chế tài xử phạt đối với các hành vi liên kết tăng giá hoặc bán phá giá, đồng thời nâng cao vai trò của hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để khách hàng sẵn sàng phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

 

Từ 7/2004 Nhà nước thực hiện giá bảo đảm kinh doanh khi giá thế giới tăng thì điều chỉnh giảm thuế hoặc tăng giá, cũng có thể kết hợp cả việc giảm thuế và tăng giá đồng thời. Khi giá thế giới giảm thì tăng thuế nhập khẩu hoặc giảm giá... Đối với các loại dầu (diesel, dầu mazút, dầu hỏa) thực hiện bán thấp hơn giá vốn nhập khẩu, Nhà nước bù giá cho các đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

 

Tính từ tháng 6/2005 đến nay, riêng mặt hàng xăng đã có 9 lần điều chỉnh giá, trong đó 6 lần điều chỉnh tăng giá và 3 lần điều chỉnh giảm giá và 13 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu. Năm 2006 có 7 lần điều chỉnh thuế với mức dao động từ 0 đến 20% và từ đầu năm đến nay mới hơn 3 tháng đã có tới 2 lần điều chỉnh giá bán và thuế suất.

 

Theo Hồng Anh

VnExpress