1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ “quét” xe máy “bẩn” khỏi các thành phố lớn

(Dân trí) - Thời gian dự kiến mà Cục Đăng kiểm VN đưa ra để năm thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM thực hiện việc kiểm soát khí thải với xe máy là năm 2009. Mức phạt sẽ là 300 nghìn đồng với trường hợp cố tình vi phạm…

Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Đề án “Kiểm soát khí thải tại 5 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ” Chính phủ giao cho Bộ GTVT và Bộ GTVT giao cho Cục đăng kiểm. Sau khi thực hiện tại 5 thành phố lớn này thì có thể thực hiện triệt để tại tất cả các tỉnh thành phố trong cả nước.

Lộ trình thực hiện quy định này như thế nào, thưa ông?

Các trung tâm đăng kiểm và các trung tâm bảo dưỡng xe máy của các công ty sản xuất xe máy lớn sẽ là nơi thực hiện đầu tiên. Cục đăng kiểm cũng dự kiến sẽ đề nghị trình Bộ GTVT và Chỉnh phủ có quy định bắt buộc các công ty sản xuất xe máy phải có các trạm bảo dưỡng. Cục đăng kiểm đưa ra 2 phương án lộ trình thực hiện.

Dự kiến nếu tháng 6/2008 Bộ GTVT trình Chính phủ và được phê duyệt sau 3 tháng thì chúng tôi chương trình kiểm soát khí thải sẽ thực hiện ngay từ 1/1/2009. Còn đối với xe mới thì chúng ta thắt chặt ngay từ bây giờ.

Lộ trình chậm là chính thức đi vào cuộc sống từ 1/7/2009 hoặc 1/1/2010. Việc nhanh hay chậm dựa vào sự xem xét nhanh chậm của các cấp các ngành cũng như ý kiến của dư luận.

Chúng tôi dự kiến sẽ đưa ra 2 loại tem. Tem xanh là xe sạch hẳn còn loại chưa đạt chuẩn là tem vàng hoặc đỏ.

Mỗi năm có 626,8 người chết và 1547,6 người bị mắc bệnh hô hấp do nồng độ cơ bản TSP trong không khí ngoài trời vượt quá TCVN.

 

Theo Viện Y tế Lao động, hàng ngày Hà Nội bị tổn thất khoảng một tỷ đồng do ô nhiễm không khí.

 

Năm 2005, Hà Nội mất 22 triệu USD, TP Hồ Chí Minh mất 52 triệu USD vì khí thải xe máy.

Theo ông, khó khăn nhất trong việc thực hiện chủ trương này là gì?

Khó khăn hàng đầu là ý thức của người dân nhưng tôi tin rằng chúng ta đưa ra biện pháp đúng, lộ trình thích hợp và khi người dân hiểu rõ mục đích thì sẽ chấp hành tốt như việc đội MBH.

Như vậy có thể hiểu rằng chúng ta sẽ có chế tài mạnh để xử lý?

Chắc rằng như thế vì hiện nay chúng tôi dự kiến đề xuất mức phạt là 300 nghìn một lần phạt trong khi giá tiền cho mỗi lần bảo dưỡng chỉ khoảng 50 nghìn.

Hiện nghị định 146 CP chưa có quy định về mức xử phạt nhưng nếu đề án được Chính phủ thông qua thì chế tài xử phạt có thể đưa ngay vào quyết định mà không cần sửa nghị định.

Một vấn đề gây tranh cãi hiện nay là chất lượng nhiên liệu không đảm bảo, ông nghĩ sao về điều này?

Hiện chúng ta đã đưa ra các loại nhiên liệu đảm bảo tiêu chuẩn Euro2 và trong tương lai thì phải đạt chất lượng cao hơn. Nếu như đề án được Chính phủ phê duyệt thì chắc chắn trong đề án sẽ đưa ra một tiêu chuẩn nhiên liệu phối hợp của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ KHCN với Tcty xăng dầu để đảm bảo được.

Thưa ông, ông có nói về việc ý thức người dân nhưng không ít người lại cho rằng: việc tiếp cận các trung tâm đăng kiểm không phải dễ dàng vì cả nước hiện chỉ có một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội?

Đó là trường hợp xe nhập khẩu theo tiêu chuẩn Euro 2, đó là một khó khăn. Khi thành lập trạm đăng kiểm này thì các đồng chí ở Văn phòng Chính phủ có nói rằng sau khi thành lập một thời gian, nếu có hiệu quả thì sẽ xây dựng tiếp ở TP Hồ Chí Minh. Mức đầu tư cho mỗi trạm này lên tới hơn 200 tỷ đồng. Đất nước ta còn nghèo và phải làm dần thôi.

Xin cảm ơn ông!

Phúc Hưng