1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ lấp di tích để làm đường cao tốc?

Di tích Chăm bí ẩn được phát hiện dưới lòng đất trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hồi đầu năm 2015 hiện phải tạm ngưng khai quật vì vướng mắc thủ tục. Trước áp lực phải bàn giao mặt bằng làm đường, nhiều khả năng di tích này sẽ bị san lấp để nằm dưới nền đường cao tốc.

Dấu vết các căn phòng được xây dựng liền kề. Ảnh: Nguyễn Trang.
Dấu vết các căn phòng được xây dựng liền kề. Ảnh: Nguyễn Trang.

Cuối năm 2014, trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, các công nhân làm đường phát hiện một phế tích bằng gạch Chăm nằm cách mặt đất gần 30cm. Sau đó, đơn vị thi công đã tạm ngừng và thông báo đến chính quyền. Đoàn của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích.

Thực ra, trước đó giới khảo cổ đã biết đến di tích Chăm mang tên Triền Tranh nằm ở khu vực Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) này, nhưng chưa phát lộ. Trước khi thi công đường cao tốc, phạm vi cắm mốc bảo vệ là 4.000m2. Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, cho biết: “Mặc dù khi khảo sát đã cắm mốc quy hoạch đường và đã tránh khu di tích Triền Tranh, nhưng do di tích nằm sâu trong đất, chưa được phát hiện. Sau khi đơn vị thi công phát hiện, hơn 150m đường cao tốc phải buộc dừng thi công để khai quật”. Viện Khảo cổ đã tiến hành khai quật 2.000m2 trong dự án 3.000m2. Tuy nhiên, do vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện để nhận định, nắm bắt đầy đủ về di tích này nên buộc phải mở rộng bổ sung 1.800m2. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công đường.

Liên quan đến việc Viện Khảo cổ học Việt Nam tạm dừng khai quật hơn 2 tuần nay, ông Minh cho biết: “Nguyên nhân là do vướng mắc về thủ tục. Chủ đầu tư là Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chưa đồng ý với việc phục dựng phim 3D về di tích này theo yêu cầu của đơn vị khảo cổ. Đồng thời, chủ đầu tư đang chịu sức ép về tiến độ hoàn thành đường, do vậy đã yêu cầu Viện Khảo cổ hoàn thành và bàn giao mặt bằng nhanh chóng để tiến hành thi công. Nhưng trong quá trình khai quật, đơn vị khảo cổ còn nhiều diện tích chưa khai quật để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ”. Ban đầu hai bên thống nhất bàn giao mặt bằng và hoàn thành khai quật trước 30/4/2015, tuy nhiên hiện tại vẫn còn 1.800m2 cần khai quật và dự kiến hoàn thành trong tháng tới.

 Theo nhận định ban đầu, di tích Triền Tranh được cho là phần nền móng của một khu đền Chămpa rộng lớn ra đời từ thế kỷ X-XI. Viện Khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật cổ như ngói, gạch, những mẩu gốm, cùng dấu vết của nhiều căn phòng được thiết kế liền kề nhau, kiểu dáng rất lạ… Tuy nhiên, đến giờ công việc vẫn chỉ là khoanh vùng, chưa có một phương án cụ thể nào cũng như kết luận khoa học chính thức nào.


Theo Nguyễn Trang
Tiền Phong