1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

“Sẽ kiến nghị bầu một ủy viên Bộ Chính trị là nữ”

Sáng 12/5, trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị toàn quốc sơ kết giữa kỳ thực hiện chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (2001-2005), bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đã khẳng định như vậy.

Nhìn lại 5 năm việc thực hiện các mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, điều gì khiến bà tâm đắc nhất?

 

Trước khi thực hiện chiến lược này, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào HĐND, cấp ủy từ địa phương đến trung ương được hiển thị bằng hình chóp lộn ngược, cán bộ cơ sở rất ít. Thời gian qua, địa phương rất cố gắng, bản thân chị em cũng quyết tâm nâng cao trình độ, nên tình hình đã thay đổi. Bây giờ thì tỷ lệ nữ tham gia HĐND, cấp ủy ở cơ sở đã được nâng lên khá cao.

 

Tuy rằng tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng này. Nữ giới tham gia quản lý sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.

 

Đại diện của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam vừa phát biểu rằng Việt Nam đã rất cố gắng vươn tới bình đẳng giới, nhưng vẫn chưa đủ, vì danh sách Bộ Chính trị không có thành viên nữ. Bà bình luận gì về sự đánh giá này?

 

Mỗi kỳ đại hội Đảng, chị em đều mong muốn có thành viên nữ trong Bộ Chính trị, Ban bí thư. Ban bí thư thì đã thực hiện được rồi, nhưng Bộ Chính trị thì chưa. Cá nhân tôi cho rằng, muốn đạt được điều này thì Đảng phải có sự chuẩn bị trước, hoặc phải quy hoạch cán bộ.

 

Nếu đặt câu hỏi phụ nữ Việt Nam có người đủ khả năng tham gia vào Bộ Chính trị hay không, tôi khẳng định là có, nhưng vấn đề là không vào được cơ cấu.

 

Vậy Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ làm gì để đáp ứng nguyện vọng của chị em?

 

Tôi cho rằng nguyện vọng có một nữ ủy viên Bộ Chính trị là rất chính đáng. Chúng tôi sẽ kiến nghị bởi Bộ Chính trị dự trù 17 thành viên, bây giờ mới bầu 14, còn thiếu 3 người nữa. Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ chính trị xem xét làm sao có một nữ.

 

Báo chí nước ngoài phản ánh nhiều về chuyện phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài và bị khinh rẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, chị em cũng có lỗi. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

 

Câu chuyện phụ nữ lấy chồng nước ngoài và bị khinh rẻ đã trở thành nỗi bức xúc của xã hội. Chúng tôi đã tìm hiểu, trực tiếp gặp chị em và gia đình. Họ nêu ra nhiều lý do, trong đó nhấn mạnh tới công ăn việc làm không ổn định, đời sống ở nông thôn quá khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, nữ thanh niên nông thôn mong muốn vươn đến một nơi tốt đẹp hơn, văn minh hơn là hoàn toàn chính đáng.

 

Lẽ ra chị em tìm cái tốt đẹp đó từ công sức của mình, từ sự tham gia vào hoạt động xã hội thì đã không có chuyện gì. Nhưng một bộ phận muốn đổi đời nhanh, đốt cháy giai đoạn bằng cách chấp nhận lấy nước ngoài qua môi giới và ra nước ngoài lại không đạt được nguyện vọng.

 

Một điều đáng trách là nhiều chị em đã chịu bất hạnh, bị lừa tại đất khách quê người lại quay về nước để tổ chức các đường dây môi giới kết hôn, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp. Điều này rất đau lòng, ảnh hưởng tới hình ảnh phụ nữ Việt Nam.

 

Là chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà nhìn nhận trách nhiệm của Hội trong vấn đề này như thế nào?

 

Hội đã thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Vai trò giám sát, phát hiện các vụ việc để bảo vệ quyền lợi cho chị em còn hạn chế. Tuy nhiên, không chỉ Hội mà cả Đoàn thành niên, Ủy ban dân số gia đình trẻ em, các cấp chính quyền và trực tiếp là gia đình phải có trách nhiệm. Những người làm cha làm mẹ nhẽ ra phải giáo dục, tạo điều kiện cho con em mình học hành. Thực tế cho thấy số đi lấy chồng ngoại quốc qua môi giới trình độ thấp, chỉ học cấp 1-2.

 

Sắp tới, Hội có giải pháp gì để giảm thiểu những vụ môi giới hôn nhân bất hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền lợi chị em?

 

Trước hết chúng tôi sẽ chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ phụ nữ kết hôn với nước ngoài ở TPHCM, đây là nơi tập trung nhiều chị em có nhu cầu lấy chồng nước ngoài, phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm hoạt động. Sẽ tổ chức một hội nghị với sự tham gia của đại diện các tỉnh thành đến thảo luận, góp ý kiến đề xuất với hội, với cơ quan chức năng tạo một hành lang pháp lý để các trung tâm hoạt động mạnh mẽ hơn.

 

Chúng tôi cũng phát động chị em phụ nữ đấu tranh, phát hiện những người môi giới hôn nhân có tính chất lừa đảo; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục truyền thống phụ nữ Việt Nam, một truyền thống anh hùng được xây dựng từ thời Bà Trưng, Bà Triệu. 

 

Theo Như Trang

Vnexpress