1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ kiểm tra, xử lý vụ chăn thả trâu bò phải đóng... phí đồng cỏ

(Dân trí) - Trước phản ánh của dư luận về việc người dân tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa muốn chăn thả trâu bò phải đóng phí đồng cỏ và tiền thế chấp, UBND thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo làm rõ để xử lý.

Theo đó, ngay sau khi báo chí phản ánh về vấn đề trên, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, đã yêu cầu các phòng ban chuyên môn tiến hành kiểm tra, làm rõ vấn đề này.

Cũng theo khẳng định của ông Xuân, trong ngày mai (ngày 20/4), lãnh đạo thành phố cùng các phòng ban sẽ có buổi làm việc trực tiếp với xã Thiệu Dương. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Xuân cho biết.

Người dân muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng phí đồng cỏ
Người dân muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng phí đồng cỏ

Về phía xã Thiệu Dương, ngay trong chiều ngày 19/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết, đã chỉ đạo Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh (HTX) trả lại tiền cho nhân dân và dừng ngay việc thu tiền thế chấp và phí thả trâu bò của bà con.

Theo ông Dương Đình Minh, Giám đốc HTX dịch vụ Minh Anh thì trên địa bàn xã có khoảng hơn 40 con trâu, bò. Hiện HTX đã thu được 19 hộ, đang tiến hành thu các hộ còn lại.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, người dân tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng một khoản phí gọi là phí đồng cỏ, tiền thế chấp cho HTX.

Cụ thể, mức thu mà HTX đưa ra là 100.000 đồng phí đồng cỏ/con/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm.

Không riêng gì các hộ chăn nuôi trâu, bò mà những người có máy gặt đập cũng phải phải đóng tiền “đặt cọc” cho HTX khi muốn đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, những hộ dân có máy gặt, máy lồng phải đóng 5 triệu đồng gọi là tiền thế chấp cho HTX, ngoài ra mỗi máy còn phải đóng thêm 10%/đầu sào phí dịch vụ.

Lãnh đạo HTX đã thừa nhận có thu những khoản tiền nêu trên. Tuy nhiên, HTX thu tiền trên tinh thần tự nguyện đóng góp và có văn bản họp dân, dựa trên quy ước đồng điền của làng từ xưa đến nay.

Trần Lê