Tham gia công ước Lahay:
“Sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm về cho nhận con nuôi”
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hoàng Thế Liên, nhấn mạnh như vậy xung quanh việc ký Công ước Lahay về vấn đề con nuôi. Ông Liên cho biết, để tham gia công ước này, Việt Nam sẽ phải sửa một số luật hiện hành.
Chiều 25/7, Thường vụ Quốc hội đã có buổi thảo luận xung quanh tờ trình của Chính phủ về việc ký Công ước Lahay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Trong giờ giải lao của phiên thảo luận, ông Hoàng Thế Liên đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên.
Chấm dứt về mặt pháp luật với cha mẹ đẻ
Thưa ông, Công ước Lahay có từ 1993, tại sao đến lúc này chúng ta mới đặt vấn đề tham gia?
Trước đây, thời kỳ đầu, về quan hệ quốc tế, chúng ta chưa có thông tin đầy đủ nên cần phải thận trọng. Thêm nữa, đội ngũ làm công tác này trong nước chưa được chuẩn bị tốt, trong khi tham gia công ước Lahay cùng lúc phải làm việc với nhiều nước.
Do vậy, chúng ta chủ trương tiến từng bước vững chắc với việc ký hiệp ước song phương. Đến lúc này chúng ta đã ký với 10 nước. Quá trình này cũng là một cuộc tập dượt để thực hiện các nguyên tắc Lahay. Về cơ bản, chúng ta có thể tin tưởng rằng đã chuẩn bị đủ điều kiện tham gia vào công ước.
Tham gia công ước Lahay, chúng ta sẽ khắc phục được nhiều khó khăn xung quanh vấn đề cho - nhận con nuôi hiện nay?
Nếu tham gia công ước, chúng ta sẽ thực hiện theo nhiều nguyên tắc tiến bộ, nhân đạo. Trong thời gian chưa tham gia Công ước Lahay, để thực hiện việc hợp tác nuôi con nuôi, chúng ta đã ký hiệp định song phương với nhiều nước mà về mặt nguyên tắc, giống với nguyên tắc của Lahay.
Nhưng điều ta chưa thực hiện nghiêm túc đó là cơ chế thực thi. Chúng ta đã có một cơ quan trung ương là Cục con nuôi quốc tế, nhưng chưa đảm bảo cho cơ quan ấy đóng một vai trò thực sự cả về quyền hạn, cách thức.
Tới đây, không chỉ tham gia về mặt thủ tục mà cơ chế cũng phải theo đúng nguyên tắc Lahay. Cơ quan TƯ cũng như đội ngũ thực thi phải làm theo đúng quyền được quy định, và cơ chế giám sát cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc của Lahay.
Về mặt lý thuyết, tham gia công ước sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm.
Giữa những điều khoản trong Công ước Lahay và Luật Việt Nam vẫn còn những điểm vênh, thưa ông?
Vênh lớn nhất là về độ tuổi. Luật VN quy định nguyên tắc chỉ nhận con nuôi dưới 15 tuổi hoặc 15-16 tuổi với những em bị tàn tật, trong khi theo Lahay, độ tuổi là dưới 18.
Thứ hai, về hệ quả pháp lý. Nguyên tắc của Lahay là đã là làm con nuôi, sẽ phải chấm dứt về mặt pháp luật với cha mẹ đẻ. Nước ta chưa có quy định nào khẳng định điều này, thậm chí vẫn còn có những điều khoản ràng buộc như trẻ em cho đi làm con nuôi, vẫn có thể tiếp tục được nhận quyền thừa kế từ cha mẹ đẻ.
Rồi về quyền nhân thân. Con liệt sĩ, thương binh, cho đi làm con nuôi rồi vẫn được tiếp tục thừa nhận là đối tượng con em thương binh, liệt sĩ. Và luật của ta vẫn công nhận trẻ em cho đi làm con nuôi được tiếp tục giữ nguyên quốc tịch.
Tới đây sẽ khắc phục như thế nào?
Đã vào là phải khắc phục dần. Nhưng trong trường hợp chưa khắc phục được thì vẫn không hề gì vì chúng ta đã có những nguyên tắc lớn trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là trong trường hợp chưa kịp sửa luật cho phù hợp thì vẫn được áp dụng nguyên tắc đó.
Để đảm bảo cơ chế thực thi cho cơ quan đầu mối TƯ khi tham gia công ước, cần phải có những điều kiện gì?
Phải sửa một số luật hiện hành. Chẳng hạn, trong luật hôn nhân gia đình cũng như trong luật HĐND, UBND quy định thẩm quyền quyết định cho con nuôi là của UBND, với cơ quan giúp việc là Sở Tư pháp.
Sau này, chúng ta sẽ qui định, ở dưới địa phương thông tin lên về trường hợp trẻ em mồ côi đang có nhu cầu. Ở trên TƯ, chúng ta đã nắm được hồ sơ về gia đình nước ngoài có nhu cầu tiếp nhận. Từ đó sẽ tiến hành ghép. Nếu thủ tục dưới đưa lên đủ, bên ngoài cũng đầy đủ thủ tục, chúng ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Địa phương sẽ làm thủ tục giao nhận thôi.
Để khắc phục tình trạng các tổ chức nước ngoài có mức hỗ trợ nhân đạo cao sẽ được nhận nhiều con nuôi từ các trung tâm, chúng tôi sẽ ban hành quy định về các mức hỗ trợ cụ thể, công khai, tránh việc cạnh tranh.
Hồ sơ sạch sẽ, đầy đủ, nhưng…
Vừa qua đã có sự “ lình xình” trong việc đưa trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi ở Nam Định. Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ có những chỉ đạo nào nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương?
Có những trung tâm có số lượng hồ sơ cho nuôi con nuôi gửi đi rất nhiều, chúng tôi cho thành lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra. Nhưng kiểm tra trên giấy tờ thì thấy hồ sơ rất sạch sẽ, đầy đủ, đúng như yêu cầu pháp luật. Nhưng công an với nghiệp vụ đã phát hiện ra là có hiện tượng môi giới.
Tới đây chúng tôi sẽ siết chặt việc kiểm tra hồ sơ. Cùng đó nâng cao năng lực cơ sở vì ở trên này không thể trăm tay nghìn mắt. Vừa xây dựng đội ngũ có chất lượng, lương tâm trách nhiệm vừa phải có kỷ luật chặt chẽ.
Hàng năm chúng tôi cũng phải tiến hành kiểm tra 85 trung tâm được phép cho nhận con nuôi và tổ chức rút kinh nghiệm.
Việc cho con nuôi chỉ tập trung ở một số tỉnh đã khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao?
Chúng ta có 378 trung tâm bảo trợ nhưng chỉ có 78 trung tâm được phép cho con nuôi nước ngoài. Vì vậy, các nơi khác có thể tuồn vào.
Những vướng mắc trong việc cho nhận con nuôi mà địa phương gặp phải hiện nay là gì?
Chỉ có những điểm làm chưa tốt. Theo luật, chỉ đưa vào trung tâm bảo dưỡng những đối tượng bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa. Nhưng thực tế, nhiều gia đình mới có hoàn cảnh khó khăn đã muốn gửi vào. Mà muốn thế, sẽ phải làm thủ tục bỏ rơi.
Vì vậy những gia đình nhận con nuôi, họ đi thẩm tra, họ nhận ra đây vẫn là những đứa trẻ có gia đình.
Các tổ chức quốc tế họ hỗ trợ bằng tiền mặt cũng nhiều. Người làm trực tiếp cũng có những lợi ích nhất định.
Những điều này làm cho mục tiêu nhân đạo chung không đạt được.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (ghi)