1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội

Sẽ dùng thẻ thông minh trên xe buýt

Thẻ xe buýt thông minh (smart card) sẽ được triển khai trên địa bàn Hà Nội trong quý II này, nhằm tạo ra một biến chuyển tích cực trong công tác quản lý, kinh doanh vận tải hành khách công cộng. Ông Trần Hùng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định như vậy.

Trước mắt, hai tuyến xe buýt có lưu lượng vào loại lớn nhất thành phố, đồng thời là hai tuyến buýt đã hoạt động ổn định, nề nếp nhiều năm qua – tuyến số 32 (Giáp Bát - Nhổn) và tuyến số 34 (Bến xe Mỹ Đình - Gia Lâm) – được chọn để thực hiện thí điểm. Hiện nay trên cả hai tuyến có 50 xe buýt đang vận hành.

 

Việc triển khai thẻ thông minh là một hạng mục quan trọng trị giá khoảng 100.000 euro trong khuôn khổ Dự án ASIA TRANS do EU tài trợ. “Loại thẻ này còn mới ở Việt Nam, nhưng đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực như Singapore, Hồng Kông. Không chỉ dùng cho xe buýt, thẻ còn có thể sử dụng trong nhiều dịch vụ đa dạng khác như xe điện, tàu điện ngầm, đậu đỗ xe...”, ông Trần Hùng Tuấn nói.

 

Được biết, cấu trúc của thẻ thông minh gồm hai phần chính: mặt thẻ chứa đựng những thông tin của chủ sở hữu (tên, ảnh, năm sinh...), phần thứ hai là bộ vi xử lý (dưới dạng một con chip) gắn phía sau thẻ để lưu giữ các thông tin nhân dạng, giao diện, tiền nạp lên thẻ và một số thông tin khác tùy thuộc yêu cầu của đơn vị phát hành thẻ.

 

Giá mua thẻ dự kiến từ 40.000 đến 50.000 đồng/thẻ, song phía Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với đối tác nước ngoài để trong nước có thể sản xuất thẻ với giá thành hạ. Mức độ an toàn của thẻ được đánh giá là tương đương với loại thẻ tín dụng, cá nhân hóa cho một người duy nhất sử dụng trong vòng 5 năm. Trên các tuyến buýt có sử dụng thẻ, các xe sẽ được gắn đầu đọc thẻ, kết nối với Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (QL-ĐHGTĐT).

 

Đối với người sử dụng, thẻ thông minh có những ưu điểm như độ bền cao, nạp tiền dễ dàng, không mất thì giờ đi mua vé, đổi vé... Về phía nhà quản lý, theo lời ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải Hà Nội, khi đưa vào sử dụng rộng rãi, thẻ thông minh sẽ giúp loại bỏ hiện tượng gian lận vé, đồng thời cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy để phân tích, kiểm soát hoạt động kinh doanh của đơn vị, tiến tới tiết kiệm chi phí, tự cân đối thu - chi...so với hiện nay Nhà nước vẫn đang phải trợ giá khá lớn cho hoạt động xe buýt, ở mức khoảng 100 tỷ đồng/năm.

 

Số liệu từ Sở Giao thông- Công chính Hà Nội cho biết, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội trong những năm qua được xem là đạt mức tăng trưởng kỷ lục: nếu như tổng số lượt hành khách được phục vụ trong năm 2000 là 10 triệu lượt thì đến năm 2004 đã đạt tới 285 triệu lượt!

 

Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình thẻ thông minh ra hàng loạt tuyến buýt khác chắc chắn sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, bên cạnh đó, chi phí làm thẻ ban đầu còn cao, trong khi đối tượng sử dụng vé tháng xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên, người làm công ăn lương – những người chưa có hoặc có thu nhập vừa phải. Vì vậy, cần có lộ trình cho việc đưa thẻ thông minh vào áp dụng, tạo dần thói quen cho người sử dụng. Bởi theo ông Bùi Xuân Dũng, “sự hài lòng và thuận tiện của hành khách là mối quan tâm hàng đầu của nhà xe”.

 

Theo Sài gòn giải phóng