1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẽ dán tem chất lượng cho quán ăn đường phố

Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được dán tem màu đỏ. Tem màu xanh là chất lượng trung bình, chủ cơ sở cần phải sửa chữa, khắc phục thêm. Cơ sở dán tem màu vàng phải đóng cửa do không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Đó là một phần trong nội dung của Kế hoạch phân cấp kiểm tra và dán biểu tượng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố... trên cả nước, vừa được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trình Bộ Y tế. Công tác triển khai hiện đã được chuẩn bị xong, chỉ chờ khi Bộ Y tế "bấm nút" là kế hoạch sẽ "chạy". 

Công tác kiểm tra và dán tem chất lượng sẽ được các Sở Y tế triển khai đồng loạt tại địa phương trên cả nước vào thời điểm do Bộ ấn định. Theo ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của các Sở Y tế đến thực tế cơ sở kinh doanh, căn cứ kết luận kiểm tra, đoàn tiến hành dán tem chất lượng vệ sinh thực phẩm tại cơ sở. "Việc dán tem chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phải được hoàn tất trong vòng 6 tháng cuối năm", ông Đáng khẳng định.  

Một quan chức có trách nhiệm của Sở Y tế TPHCM cho hay, biểu tượng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hành và có đặc trưng riêng chống làm giả.

 

Ông Trần Đáng nhấn mạnh việc dán tem ở cơ sở kinh doanh nhằm thông báo cho người tiêu dùng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ngay tại chỗ, tránh nguy cơ ngộ độc khi mua thức ăn đường phố ở những địa điểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đánh giá của ngành y tế, thức ăn đường phố là 1 trong 10 nhóm đối tượng có nguy cơ ngộ độc cao nhất và phức tạp nhất nên càng cần thiết phải quản lý và dán tem chất lượng. Còn ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM nhận xét: "Nếu thực hiện được, kế hoạch này sẽ giúp ngành quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn ở các điểm bán, nhất là thức ăn đường phố và hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm".

 

Tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm còn cho biết thêm, kế hoạch này cũng nhằm phân cấp trách nhiệm kiểm tra các đối tượng kinh doanh thức ăn. Ví dụ, các nhà hàng thuộc khách sạn lớn từ 3 sao trở lên sẽ thuộc trách nhiệm quản lý kiểm tra của UBND cấp tỉnh, thành phố. Nhà hàng, bếp ăn tập thể, quán ăn... thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp quận, huyện. Riêng "mảng" thức ăn đường phố sẽ do UBND cấp phường, xã chịu trách nhiệm cấp phép đăng ký kinh doanh, kiểm tra.

 

Theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, người kinh doanh thức ăn phải đăng ký và được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thẩm định điều kiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở. Tuy nhiên, do những quy định chồng chéo nên việc phân cấp quản lý các đối tượng kinh doanh thức ăn không rạch ròi, dẫn đến hoặc thiếu quản lý, kiểm tra hoặc các cơ quan chức năng hay đổ thừa trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

 

Những khảo sát trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh thực phẩm vừa qua cho thấy, tỷ lệ nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất thực phẩm đạt 57% so với tỷ lệ 37% vào 5 năm trước. Về đối tượng người tiêu dùng, tỷ lệ nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đã tăng 51% so với năm 2000 là 23%.

Người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh thực phẩm khi lựa chọn, trong khi người sản xuất cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; mối quan hệ này giúp giảm thiểu tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trên cả nước trong thời gian gần đây. 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cũng giảm dần giữa các năm. Năm 2004, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trên cả nước giảm 39% so với năm 2003 và chỉ bằng một nửa so với năm 2000.  

 

 Theo VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm