Sẽ cưỡng chế thu hồi nợ tàu xa bờ thua lỗ
Sau hơn hai năm thực hiện không có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 03/2006/CT-TTg về một số biện pháp tiếp tục xử lý nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành trực thuộc TW có dự án đánh bắt xa bờ phải đẩy nhanh tiến độ thu hồi và bán đấu giá những con tàu của các chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, chây ỳ, sản xuất kinh doanh không có hiệu quả (nhất là là các tàu đang để nằm bờ, đang xuống cấp, hư hỏng) cho các chủ đầu tư mới có điều kiện sản xuất hiệu quả hơn.
Chính phủ đồng ý cho UBND các tỉnh thực hiện việc cưỡng chế đối với các chủ tàu thuộc diện phải thu tàu, nhưng cố ý không chịu giao tàu, để tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn cho nhà nước.
Theo Thanh tra Chính phủ, hiệu quả kinh tế của dự án đánh bắt xa bờ rất thấp. Tổng số tiền sai phạm là 110 tỷ đồng, trong đó tham ô, cố ý làm trái, chiếm dụng vốn 12 tỷ đồng. 7 năm qua, số nợ thu hồi chỉ đạt 1/10.
Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ được Thủ tướng giao Bộ Thủy sản thực hiện. Dự án triển khai từ năm 1997 tại 29 tỉnh, thành phố với tổng số vốn tín dụng ưu đãi đã giải ngân hơn 1.340 tỷ đồng.
Theo kết quả thanh tra tiến hành từ tháng 10/2004, gần 1.000 tàu đánh bắt hải sản được hoán cải và đóng mới có số vốn vay khoảng 900 tỷ đồng. Nhưng thực tế 520 tàu đánh cá hoạt động không hiệu quả, 250 tàu không đi biển.
Thủ tướng yêu cầu Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm quản lý và thu nợ kịp thời hạn. Đồng thời, điều chỉnh thời hạn trả nợ cho các chủ đầu tư cũ (phần nhận số nợ chênh lệch do bán tàu) theo nguyên tắc không quá 12.
Theo Hà Yên
VietNamnet