Sẽ cho công khai báo cáo kiểm toán ngân sách?
''Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sau khi trình Quốc hội sẽ được công bố thông qua họp báo, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web và các ấn phẩm của KTNN''.
Đây là nội dung mới trong dự thảo Luật KTNN, được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 15/4.
Theo ông Kiên, UBTVQH bổ sung nội dung này nhằm ''bảo đảm cho nhân dân biết được thông tin và thảo luận sâu rộng về kết quả kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi hơn việc thực thi các kết luận của cơ quan kiểm toán, đồng thời vẫn bảo đảm giữ bí mật trong những trường hợp pháp luật quy định''.
KTNN tự quyết định kế hoạch kiểm toán năm
Có ý kiến đề nghị, KTNN là cơ quan chuyên môn do Quốc hội lập, là công cụ ''cánh tay kéo dài'' của Quốc hội, nên kế hoạch kiểm toán hàng năm phải do Quốc hội thông qua.
Nhưng UBTVQH thấy rằng: ''Tuyên bố Lima về kiểm tra tài chính của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAL) nhấn mạnh phài để cho cơ quan KTNN tự mình lập kế hoạch, không để công việc này bị tác động của các cơ quan nhà nước khác, bảo đảm tính độc lập của kiểm toán''. Do đó, UBTVQH đề nghị giao cho KTNN quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm, báo cáo với Quốc hội và Chính phủ.
Kết luận của KTNN và thanh tra, ''ai hơn ai''?
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính của Nhà nước, kết luận của cơ quan này không phải quyết định hành chính, không phải tranh chấp nên không thể đưa ra toà án. Báo cáo của KTNN chỉ là văn bản xác nhận, là cơ sở tham khảo cho các cơ quan hữu quan, không mang tính chất pháp lý.
UBTVQH đồng tình với lập luận này và tiếp thu vào dự thảo Luật KTNN. Theo đó, khi các kết luận kiểm toán, thanh tra, kiểm tra khác nhau về cùng một nội dung thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết dịnh việc chấp nhận kết quả kiểm toán và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Lương Tổng KTNN bằng chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội
Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của UBTVQH sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng. UBTVQH đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 5-7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ.
Lương và các chế độ khác của Tổng KTNN được hưởng như người đứng đầu cơ quan của Quốc hội do UBTVQH quyết định trên cơ sở chính sách sách tiền lương của Nhà nước.
Theo Văn Tiến
Vietnamnet