1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Sẽ cấp miễn phí 20 triệu bóng đèn compact

EVN cho biết đối tượng được thay thế là tất cả các hộ gia đình và các cửa hàng, quầy hàng buôn bán nhỏ ở mặt phố đang sử dụng đèn sợi đốt. Việc thay thế sẽ được tiến hành trực tiếp và miễn phí.

Đây là khẳng định của đại diện Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 16/9 tại cuộc họp báo về Chương trình thay thế 20 triệu đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact.

 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cho biết EVN coi đây là giải pháp hữu hiệu và cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu điện gia đoạn 2006-2008.

 

Theo số liệu điều tra từ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng như Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, công ty Điện Quang, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ ổn định khoảng 50 triệu bóng đèn sợi đốt. Hai công ty Rạng Đông và Điện Quang đáp ứng 90% thị phần trong nước, khoảng 10% còn lại là đèn nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Liệu với chủ trương này, số phận của các nhà máy trên sẽ ra sao ?

 

Và sau khi được dùng miễn phí bóng đèn compact lần đầu, liệu người dân có sẵn sàng móc hầu bao để tiếp tục mua đèn compact xài không. Đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

 

Ánh sáng đèn compact có gây hại cho mắt, đặc biệt là với những học sinh hay không. Điều này cần phải có những nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng.

 

Về công suất, trong tổng số khoảng 50 triệu đèn sợi đốt đang sử dụng thì khoảng 80% số lượng đèn sợi đốt có dải công suất 60W, 75 W và 100W. Công suất 15-40W chiếm 20% sử dụng cho đèn bàn, đèn trang trí trong các gia đình. Việc đèn sợi đốt được sử dụng phổ biến do giá rẻ 3000-4000 đ/bóng và không đòi hỏi chất lượng điện áp trong khi giá đèn compact chất lượng trung bình trên thị trường hiện nay từ 15.000đ-50.000đ/bóng.

Theo đó, từ năm tới tháng 7/2006 thay thế 10 triệu đèn (theo tính toán năm 2006 thiếu hụt công suất khoảng 380 MW vào các tháng 4, 5, 6). Từ tháng 8/2006 đến hết năm 2007 sẽ thay thế tiếp 10 triệu đèn tiếp theo.

 

Về nguồn cung cấp đèn compact, hiện nay trong nước chỉ có 2 doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất đèn compact là công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông 1,5 triệu đèn/năm và công ty Philipp Việt Nam (6,5 triệu đèn/năm). Vì vậy để có đủ lượng đèn cho chương trình thay thế 20 triệu đèn sợi đốt sẽ phải tổ chức đấu thầu quốc tế.

 

Về kinh phí, bình quân 1,3 USD (20.000đ)/đèn, nếu tính cả thuế nhập khẩu 40% thì giá mua đèn đối với đèn nhập khẩu là khoảng 1,82 USD (29.000đ)/đèn. Giá mua đèn trong nước đã có VAT khoảng 1,7 USD (27.000đ)/đèn. Như vậy để thực hiện chương trình 20 triệu đèn compact cần kinh phí mua đèn khoảng 36 triệu USD (tương đương 569 tỷ đồng), nếu được Chính phủ cho miễn thuế nhập khẩu đèn thì còn khoảng 25,4 triệu USD (tương đương 405 tỷ đồng).

 

Hiện EVN cũng đang kiến nghị với Chính phủ miễn thuế nhập khẩu (khoảng 10,6 triệu USD) đối với số đèn nhập khẩu để thực hiện chương trình. Chi phí thực hiện việc thay đèn sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của các công ty điện lực.

 

Cũng theo ông Hùng, để thực hiện được chương trình thay thế này, các nhà sản xuất trong nước phải từng bước nâng cấp, hiện đại hoá công nghệ, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Có giải pháp để hạn chế sản xuất đèn sợi đốt sử dụng trong sinh hoạt...

 

Ông Hùng cho biết khi sử dụng dụng đèn compact, các hộ sử dụng điện hàng năm sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Theo tính toán của EVN nếu sử dụng điện 3 giờ/ngày thì trong 1 năm một đèn compact sẽ tiết kiệm được 50kWh và với tuổi thọ của bóng là 6.000 giờ thì sẽ giúp tiết kiệm được số tiền là 300.000 đồng.

 

Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm