“Sẽ cấm xe máy trên những phố xe buýt đủ đáp ứng”
Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Đức Nhanh cho biết, Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ cho thành phố có cơ chế đặc thù, tăng mức phạt tiền, tăng thời gian giữ xe vi phạm. Ngoài ra, những tuyến phố xe buýt đủ đáp ứng sẽ cấm xe máy, ôtô con trong giờ cao điểm.
Trong thời gian tới, Công an Hà Nội sẽ có biện pháp gì giảm tai nạn, ùn tắc giao thông?
Tôi chuẩn bị ký công văn kiến nghị 20 giải pháp, chia làm 4 nhóm tới Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an, UBND thành phố. Trong đó, một nhóm là tuyên truyền giáo dục để tăng ý thức của người tham gia giao thông. Trên đường thấy đèn đỏ phải dừng, thấy biển báo thì cẩn thận.
Mặc dù xử phạt chỉ là giải pháp tình thế, nhưng tôi cho rằng cần phải tăng mức phạt. Công an Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ cho thành phố cơ chế đặc thù, nghĩa là mức phạt tiền tăng hơn, thời gian giữ xe dài hơn để tăng mức răn đe.
Người dân hay có suy nghĩ đối phó với cảnh sát. Vì vậy, lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả. Ngoài hơn 700 người, phải tăng cường cảnh sát các quận huyện, lực lượng cơ động. Tổng cộng hơn 1.000 người phải ra ngoài đường từ 5h sáng trong điều kiện trời rét đến 21h. Trong khi đó, thành phố hay bị cắt điện, các nút giao thông rối loạn.
Ngoài nhóm giải pháp tuyên truyền, 3 nhóm giải pháp còn lại sẽ như thế nào?
Nhóm Tổ chức giao thông, hệ thống đèn điều khiển giao thông phải được lắp đặt thêm, chu kỳ đèn phải được bố trí hợp lý. Thời lượng nháy đèn vào buổi sáng, buổi chiều, giờ cao điểm phải khác nhau. Chỗ nguy hiểm, hay tai nạn đều phải đặt biển báo, lắp đặt camera...
Nhóm Hạ tầng giao thông, xây thí điểm 4-5 cầu vượt rồi nhân rộng. Tôi đề xuất dựng cầu dầm thép, tháo lắp được, không cần thiết cầu bê tông. Cầu này phải đẹp, ngày lễ tết phải trang trí làm đẹp thành phố.
Nhóm Quản lý phương tiện, thành phố sẽ hạn chế một số phương tiện trên một số tuyến, một số giờ. Những nơi mà khảo sát thấy xe buýt đủ đáp ứng thì sẽ cấm xe máy, ôtô con trong giờ cao điểm. Toàn bộ tổ chức giao thông ở thành phố phải được tính toán lại. Trên đường phố hiện có tới 60 loại phương tiện, đến lúc nào đó phải loại bỏ dần.
Nếu hạn chế xe cá nhân trên tuyến đường, ông sẽ di chuyển như thế nào?
Các bãi trông giữ cũng phải bố trí lại, xe không được đỗ ở lòng đường. Các loại xe đều phải đỗ tại bãi xe hồ Hoàn Kiếm. Nếu phải đi họp tại UBND thành phố, tôi sẽ đi bộ mấy trăm mét từ bãi gửi xe vào. Tôi cũng đề xuất điểm dừng xe buýt phải cách nhau ít nhất 500m để người dân có thói quen đi bộ.
Dư luận cho rằng, công an hay cấm đoán do quản lý không tốt. Ông nghĩ sao nếu người dân phản đối việc hạn chế xe cá nhân?
Mâu thuẫn là một bên dân kêu ngành quản lý yếu kém nên mới dùng biện pháp cấm đoán. Nhưng trong thực tế giao thông đô thị của các nước, bắt buộc phải có các biện pháp hạn chế. Các thành phố lớn châu Á và thế giới đều có cách hạn chế xe cá nhân, tìm cách tăng giao thông công cộng, như Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok...
Trong tương lai thì phải giảm xe máy, ôtô phải phát triển theo lộ trình. Theo quy luật thế giới là hạn chế phương tiện cá nhân.
Những năm qua, ngành giao thông, công an Hà Nội cũng thường xuyên đưa ra các “sáng kiến” nhưng tai nạn và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Người dân có thể kỳ vọng gì với những giải pháp mới của ngành công an?
Thời gian qua đã có nhiều biện pháp nhưng vẫn bị coi là không đến nơi đến chốn là do ngành Công an không có quyền quyết định. Chức năng chỉ là giám sát và xử lý vi phạm. Tôi cũng dự kiến kế hoạch phân làn tại các tuyến đường lớn, trục chính của thành phố. Ôtô đi làn riêng, xe máy xe đạp đi riêng, ai lấn vạch xử lý ngay. Tuy nhiên, hiện giờ chưa làm được vì lực lượng cảnh sát chỉ phạt mười mấy lỗi đã rất mệt rồi.
Theo Đoàn Loan
VnExpress