1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lào Cai:

Sâu xanh tàn phá gần 100 ha rừng bồ đề

(Dân trí) - Dịch sâu xanh làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây bồ đề là cây làm nguyên liệu sản xuất giấy viết từ 2-6 năm tuổi; khi bị sâu xanh tàn phá cây sẽ bị trụi lá hoàn toàn.

Sâu xanh tàn phá gần 100 ha rừng bồ đề - 1
Một cánh rừng gỗ bồ đề làm nguyên liệu sản xuất giấy ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) bị sâu xanh phá trụi lá.
Những ngày qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng đan xen mưa lớn, ẩm độ cao,  thuận lợi cho các loài sâu bệnh phát sinh, tích lũy và gây hại. Đặc biệt sâu xanh ăn lá bồ đề đang gây hại có chiều hướng gia tăng và lan rộng tại những cánh rừng bồ đề trên địa bàn xã Bảo Hà, Kim Sơn huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai).
 
Dịch sâu xanh làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây bồ đề là cây làm nguyên liệu sản xuất giấy viết từ 2-6 năm tuổi. Cây gỗ cao từ 4-7 mét, đường kính từ 8-20cm, bị sâu xanh ăn không còn chiếc lá nào, phơi thân và cành gỗ, mất khả năng quang hợp.  
 
Mật độ hại phổ biến trung bình 50 - 80 con/cây, cao 150 - 300 con/cây, cục bộ trên 500 con/cây. Diện tích nhiễm sâu xanh khoảng gần 100 ha.
 
Ngay sau khi phát hiện sâu xanh ăn lá bồ đề, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, Hạt Kiểm lâm huyện và các khuyến nông viên, kiểm lâm địa bàn  đi kiểm tra, tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân các biện pháp phòng trừ, hiệu quả. 
 
Đồng thời UBND huyện Bảo Yên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn  khẩn trương rà soát diện tích bị nhiễm sâu xanh ăn lá bồ đề, phun phòng trừ kịp thời, hạn chế bùng phát lây lan trên diện rộng. 
 
Tuy nhiên vẫn còn một số chủ rừng chưa quan tâm và do đồi xa, địa hình phức tạp, cây bồ đề cao, sâu lại ăn lá bắt đầu từ ngọn, khó khăn trong công tác phòng trừ nên hiệu quả còn thấp.
 
Theo các cán bộ bảo vệ thực vật, loài sâu xanh này có tính chọn lọc thức ăn cao, chỉ ăn lá bồ đề, không ăn các loại lá cây khác. Sâu non sau khi nở ăn toàn bộ phần lá, gây hại cả lá non, lá bánh tẻ và lá già của cây bồ đề đến khi trụi toàn bộ lá trên cây.
 
Cây bồ đề bị hại nặng không còn lá sẽ chậm phát triển, còi cọc, khẳng khiu, một thời gian sau mới hồi phục và ra lá mới. Nếu cây bị nhiều lứa sâu xanh ăn lá gây hại nặng liên tục có thể không còn khả năng phục hồi và bị chết.
 
Phạm Ngọc Triển

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm