1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau thảm họa cầu Cần Thơ, lo cho cầu Đồng Nai!

(Dân trí) - Gần 1.700 tỉ đồng sẽ được đầu tư để xây cầu Đồng Nai mới đầu năm 2008; dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2010. Trong thời gian chờ cầu mới, cầu cũ xập xệ vẫn phải hoạt động quá công suất. Và ai dám đảm bảo rằng sẽ không có một thảm họa sập cầu thứ 2?

Chính Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, đã khẳng định cây cầu được coi là cửa ngõ nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc, 43 tuổi đời, này “có thể sập bất cứ lúc nào”.

 

Vừa đi trên cầu vừa run

 

“ Mỗi lần qua cầu về nhà là em run lắm, bởi cây cầu lắc lư rất mạnh. Hơn nữa vừa xảy ra vụ sập cầu Cần Thơ nên em càng thấy bất an hơn. Nhiều đứa bạn em giờ không dám đi qua cầu”, một cậu sinh viên trường Nông Lâm tên Văn cho biết.

 

Anh Thanh, một tài xế xe khách đường dài, chia sẻ nỗi lo lắng: “Mỗi lần chở khách qua cây cầu này mình không dám chạy nhanh, chỉ đi với vận tốc 5km/h, vừa cầm lái vừa lo bởi trên xe ngoài mình còn có gần 30 sinh mạng nữa”.

 

Quả thật, muốn kiểm chứng độ “lung lay” của cầu Đồng Nai rất đơn giản. Bạn chỉ cần đi bộ trên cầu, cứ mỗi lượt xe qua, bạn sẽ có cảm nhận rất rõ mặt cầu đang rung, lắc, chưa kể những tiếng rầm rầm phát ra từ dưới gầm cầu.

 

Biết qua cầu là nguy hiểm, nhưng với chức năng nối liền TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc, các lái xe không còn sự lựa chọn nào khác.

 

Những giải pháp khi nào thành hiện thực

 

Giải pháp xây cầu mới đã được thông qua và sắp được thực hiện. Nhưng ai dám đảm bảo cầu Đồng Nai có thể “cầm cự” từ giờ đến giữa năm 2010? Hiện nay, hàng ngày vẫn có hàng trăm ngàn lượt người và phương tiện lưu thông qua cầu. Trên mặt cầu lúc nào cũng có hàng trăm người đang lưu thông.

 

Sau thảm họa cầu Cần Thơ, lo cho cầu Đồng Nai!  - 1

Xe to, xe nhỏ, kể cả container tải trọng lớn vẫn

nối đuôi nhau qua cầu.

 

Một giải pháp tạm thời được đưa ra là cho phép xe qua cầu Đồng Nai tải trọng không quá 25 tấn và giãn cách giữa hai xe là 30m. Nhưng đây là giải pháp thiếu tính thực thi bởi với mật độ xe dày đặc như hiện nay, để có khoảng cách 5m đã là rất khó. Những chiếc xe container có tải trọng lớn vẫn thản nhiên qua cầu mà không bị một cản trở nào bởi những người gác ở hai đầu cầu không có biện pháp can thiệp; trong khi CSGT thì không có mặt. Chưa kể lượng xe dù còn lượn lờ hai bên đầu cầu.

 

UBND tỉnh Đồng Nai đã từng đề cập đến giải pháp sử dụng phà vận chuyển để hạn chế sức nặng cho cầu Đồng Nai. Nhưng dự án này cũng đang nằm trên giấy vì thiếu kinh phí.

 

Vậy là mọi giải pháp giảm tải cho cầu đều trong tình trạng dang dở. Cầu Đồng Nai vẫn như “răng bà lão”, ngày ngày trệu trạo gánh một khối lượng vượt quá sức mình. Từng nhịp cầu vẫn rung lên bần bật, như cảnh báo rằng, nỗi đau từ vụ sập cầu Cần Thơ, còn lâu mới có thể nguôi ngoai…

 

Lê Mỹ