Sau tai nạn, phát lộ nhiều vụ gian lận thuyền viên, khai man hành khách
(Dân trí) - Trong nhiều trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải, sau khi tiến hành công tác cứu nạn mới phát hiện số lượng người đi trên tàu sai lệch với danh sách khai báo khi làm thủ tục rời cảng. Điều này có nghĩa là chủ tàu đã gian lận trong việc bố trí thuyền bộ, khai báo hành khách.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - đã đề cập về vấn đề nói trên tại cuộc họp Sơ kết về an toàn giao thông quốc gia 9 tháng, sáng 21/10, tại trụ sở Chính phủ.
Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, lĩnh vực hàng hải xảy ra 16 vụ tai nạn hàng hải làm chết và mất tích 12 người, trong đó có 9 thuyền viên và 3 ngư dân. Các vụ tai nạn hàng hải này liên quan đến 13 tàu biển Việt Nam và 3 tàu biển nước ngoài.
Trong 16 vụ tai nạn này có 7 vụ tàu biển đâm va với tàu cá và phương tiện thủy nội địa và 7 vụ tàu biển tự bị thủng vỏ hoặc va với vật thể không xác định khi hành trình trên biển dẫn tới chìm hoặc mắc cạn.
Đặc biệt có 1 vụ tai nạn đâm va giữa hai tàu biển Việt Nam khi đang hành trình trên biển Vũng Tàu làm cho 09 thuyền viên bị chết, hiện vụ tai nạn này đang được cơ quan công an khởi tố, điều tra.
Trước tình hình tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức điều tra, làm rõ các nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn.
Cục trưởng Cục Hàng hải thông tin, qua điều tra tai nạn cho thấy trong nhiều trường hợp khi tai nạn xảy ra, sau khi tiến hành công tác cứu nạn cho thấy số lượng người đi trên tàu sai lệch với danh sách khai báo khi làm thủ tục rời cảng, như vậy vẫn còn tồn tại hiện tượng gian lận trong việc bố trí thuyền bộ, khai báo hành khách.
Nói cách khác, khi tàu rời cảng số lượng thuyền viên đăng ký đầy đủ, nhưng khi tàu ra khơi thì thuyền viên có chứng chỉ, có bằng thật đã rời tàu, thế chỗ là các ngư dân địa phương hoặc những người không có chuyên môn lên tàu đi biển. Đây là sự gian lận, nhằm giảm chi phí thuê nhân công đi biển của các chủ tàu.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng Hải cho biết đang tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát hiệu quả các tàu biển hoạt động tuyến nội địa và phương tiện SB về bố trí thuyền bộ và hàng hóa trước khi cho tàu rời cảng.
Một nguyên nhân khác gây ra tai nạn hàng hải do thuyền viên không thực hiện nghiêm túc công tác cảnh giới khi tàu hành trình, hạn chế về trình độ và thiếu kinh nghiệm nên điều động tránh va chưa phù hợp theo Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (Colreg 72) dẫn đến đâm va.
“Ngư dân và thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa còn hạn chế về trình độ, không thực hiện việc trực ca khi tàu ở trên biển có trường hợp tàu cá bị đâm chìm nhưng thuyền viên không biết tàu nào đâm.
Trang thiết bị trên tàu cá và phương tiện thủy nội địa rất thô sơ nên khó khăn cho tàu biển trong công tác phối hợp tránh va; những phương tiện này khi hành trình trên luồng thường không tuân thủ nội quy cảng biển, thường cắt mũi tàu biển dẫn đến bị tàu biển đâm” - ông Sang nói.
Tàu biển bị tai nạn cũng do tình trạng kỹ thuật của tàu biển không đảm bảo yêu cầu, nhiều tàu đang hành trình bị sự cố máy, bị thủng vỏ nước tràn vào tàu dẫn đến tàu bị mắc cạn hoặc chìm đắm. Cục trưởng Hàng hải cho rằng đây là một điều hết sức đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay, bởi tỉ lệ này chiếm khoảng 50% tổng số vụ tai nạn hàng hải trong năm 2017.
Một số trường hợp hoa tiêu dẫn tàu cũng như thuyền trưởng chủ quan, chưa thực sự mẫn cán, chưa chấp hành các nội quy cảng biển khi điều động tàu trong vùng nước cảng biển dẫn đến tình huống quá cận gây va chạm với cầu cảng hoặc đâm va với phương tiện khác.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 14.346 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó, TNGT giảm 966 vụ, giảm 330 người chết và 1.810 người bị thương.
Châu Như Quỳnh