Sau một năm, số người nhận hối lộ tăng hơn 592%

Hoài Thu

(Dân trí) - "Số vụ nhận hối lộ năm 2022 được phát hiện 32 vụ, năm 2023 tăng lên 143 vụ (tăng gần 347%), số người nhận hối lộ cũng tăng hơn 592%, từ 90 đối tượng lên 623 đối tượng", theo thống kê của Chính phủ.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đã thay mặt Chính phủ ký báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, gửi Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Công an, tình hình tội phạm được kiềm chế, không để phát sinh những phức tạp lớn, trật tự an toàn xã hội từng bước có chuyển biến tích cực.

Điều tra án tham nhũng: Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng

Nêu đánh giá khái quát, Chính phủ nhận định công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, có dấu ấn lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe.

Trong đó, các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là liên quan đến không gian mạng, đã được nhận diện và từng bước phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa đạt kết quả bước đầu.

Về công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Công an cho biết Chính phủ đã rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, bất động sản, mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm phương tiện cơ giới, đào tạo, sát hạch lái xe, hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài…

Sau một năm, số người nhận hối lộ tăng hơn 592% - 1

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an (Ảnh: Phạm Thắng).

"Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực được phát hiện, điều tra xử lý nghiêm với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt", theo Đại tướng Tô Lâm.

Người đứng đầu ngành Công an cũng nhấn mạnh, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý.

Ông dẫn chứng những vụ án điển hình như vụ Tập đoàn FLC; Tân Hoàng Minh; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á; Công ty AIC...

Báo cáo của Chính phủ nêu số liệu từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023, các cơ quan đã phát hiện 5.715 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 11,69%), 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 51,63%).

Trong phụ lục chi tiết đi kèm, Chính phủ đưa ra so sánh trong năm 2022 và 2023, số đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng từ 1.017 đối tượng năm 2022 lên 2.002 đối tượng năm 2023 (tăng gần 97%).

Đáng lưu ý, số vụ nhận hối lộ năm 2022 được phát hiện 32 vụ, năm 2023 tăng lên 143 vụ (tăng gần 347%); số người nhận hối lộ cũng tăng hơn 592%, từ 90 đối tượng lên 623 đối tượng.

Chính phủ nhận định, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu "còn diễn ra phức tạp". Nổi lên là, các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe; khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Bên cạnh đó là vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng.

Báo cáo dẫn chứng vụ tại Hà Nội, khởi tố 5 bị can trong đó có Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Bankland với thủ đoạn lập dự án không có thật, dự án trên đất nông nghiệp, sau đó quảng cáo để lôi kéo khách hàng dưới hình thức "phiếu đặt cọc thiện chí" rồi chiếm đoạt tài sản…

Lừa đảo trên mạng gia tăng

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Công an cho biết tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục có chiều hướng gia tăng. "Hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi, khó phát hiện, đấu tranh", theo Đại tướng Tô Lâm.

Ông dẫn chứng nhiều phương thức, thủ đoạn như sử dụng cuộc gọi trên nền tảng Internet, giả danh cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án để đe dọa nạn nhân, bắt nộp tiền vào tài khoản đối tượng cung cấp…

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống tội phạm lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.600 vụ (tăng 203,61%), 478 đối tượng (tăng 48,91%).

Trong đó, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý nhiều vụ phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, kinh doanh đa cấp, giao dịch tiền ảo, chứng khoán…

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2024, Chính phủ nhấn mạnh ngoài hoàn thiện thể chế, cần khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Chính phủ cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động "núp bóng" doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ…

"Tổ chức đấu tranh trấn áp các loại tội phạm theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực. Xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những vấn đề thực tiễn đang bức xúc hiện nay , như một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về xử lý vật chứng...