1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

Sâu “lạ” ồ ạt tấn công hàng trăm ha tràm Úc

(Dân trí) - Những ngày qua, người trồng tràm ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) rất hoang mang trước tình trạng hàng ngàn con sâu “lạ” đang tấn công, phá hoại hàng trăm ha rừng tràm Úc ở địa phương, mà chưa có cách nào trị được.

Ông Hồ Văn Ngon (69 tuổi, ngụ ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú) cho biết, ông có 3.000m2 tràm Úc khoảng một năm tuổi đã bị sâu “lạ” tấn công, ăn sạch lá non.

Theo ông Ngon, loại sâu “lạ” xuất hiện từ hơn một tháng trước, chúng có chiều dài khoảng một ngón tay, có con nhỏ như cây tăm, nhưng cũng có con lớn gần bằng đầu đũa, mình trơn không có lông, màu xanh, chỉ bò lên ngọn tràm ăn khi trời tối và mát. Còn khi nắng lên, những con sâu này “bỗng dưng biến mất”, không ai có thể tìm thấy. Chỉ trong một đêm, sâu ăn sạch phần lá non ở ngọn cây.

Trước thực trạng đó, ông Ngon mua thuốc về phun nhưng không thể diệt được triệt để như loại sâu khác, con nào chết thì chết, còn con sống thì vẫn nhiều hơn. Đặc biệt, loại sâu này thường tấn công vào cây tràm từ 1-1,5 tuổi, vì đây là giai đoạn cây đang phát triển, có nhiều lá non.

Theo ông Ngon, ông đã có thâm niên hơn 20 năm trồng tràm nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp bị sâu tàn phá như thế này. “Loại sâu này tàn phá cả ngày lẫn đêm. Mỗi nhánh cây có cả chục con sâu. Khi phun thuốc, những con sâu “lạ” này chạy chứ không nằm yên như những loại sâu khác. Khi trúng thuốc, sâu nằm chết la liệt dưới đất nhưng không thể triệt hết được”, ông Ngon thông tin.

Loại sâu lạ đang tấn công cây tràm Úc ở Sóc Trăng.
Loại sâu "lạ" đang tấn công cây tràm Úc ở Sóc Trăng.

Ông Lê Văn Đáng- Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mỹ Tú cho biết, loại sâu này không gây ngứa, sinh sản rất nhanh. Loại sâu này đã xuất hiện trên địa bàn cách đây khoảng một năm, nhưng 2-3 tháng trở lại đây chúng tấn công mạnh và đặc biệt chỉ ăn lá non của cây tràm Úc. Cơ quan chuyên môn hiện vẫn chưa xác định được đây là loại sâu gì.

“Chúng tôi đã kiểm tra, cho lấy mẫu sâu đem đi để xác định đó là loại sâu gì rồi mới đưa ra khuyến cáo để phòng trị. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cũng đã có đến tìm hiểu nhưng chưa có kết quả”, ông Đáng cho hay.

Còn ông Nguyễn Văn Đầy- Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú cho biết, hiện nay ở địa phương đang xuất hiện đàn sâu lạ màu xanh, tấn công các vườn tràm Úc của người dân 2 xã Long Hưng và Hưng Phú. Hai xã này có 800 ha tràm Úc nhưng có đến 150 ha bị thiệt hại do sâu lạ tấn công.

Cận cảnh loại sâu lạ.
Cận cảnh loại sâu "lạ".

Được biết, Mỹ Tú là nơi có nhiều vùng trũng, thấp, thường bị ngập nước và nhiễm phèn nặng nên người dân chủ yếu trồng giống tràm rừng ở địa phương. Tuy nhiên, những năm sau này trồng tràm rừng truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, nên khoảng 10 năm nay, người dân chuyển sang trồng cây tràm Úc thay thế với khoảng 700 ha.

So với cây tràm rừng truyền thống thì tràm Úc cho hiệu quả kinh tế gấp đôi, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chỉ từ 2,5-3 năm là cho thu hoạch và được thương lái thu mua với giá khoảng từ 100 triệu đến gần 200 triệu đồng/ha.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú, để tràm phát triển nhanh, người trồng tràm đã bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu khiến “thiên địch” bị tiêu diệt. Vì vậy, lá tràm non của những vườn cây khoảng một năm tuổi trở thành “món ngon” của sâu. Cũng do số lượng “thiên địch” không còn nên bướm đẻ trứng lên lá tràm mà không bị loài nào ăn. Sâu sau đó xuất hiện với số lượng nhiều, ăn hết lá tràm non.

Theo ông Lê Văn Đáng, khi phun thuốc hóa học, sâu chết thì các loại “thiên địch” cũng chết theo. Vì vậy, khi đợt sâu non mới xuất hiện, không còn “thiên địch” ăn chúng, chúng sẽ dễ phát tán hơn. Vườn tràm càng phun thuốc hóa học nhiều thì thiệt hại càng nặng.

Nhiều diện tích tràm Úc ở Sóc Trăng đang bị sâu lạ tàn phá nhưng chưa có cách nào trị triệt để.
Nhiều diện tích tràm Úc ở Sóc Trăng đang bị sâu "lạ" tàn phá nhưng chưa có cách nào trị triệt để.

Ông Nguyễn Thành Phước- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết, để có cơ sở khoa học, chúng tôi đã lấy mẫu sâu gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trường Đại học Cần Thơ để phân loại, xem đây là loại sâu gì, có tác nhân gây hại thành dịch hoặc bộc phát hay không.

Cũng theo ông Phước, nguyên nhân sâu hại thường xuất hiện nhiều trên giống tràm Úc vì đây là cây trồng mới nên khả năng nhiễm sâu bệnh thường cao hơn.

Bạch Dương