1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế

(Dân trí) - Sau nhiều cố gắng, tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối cùng đã đưa được bức tượng tên “Cô gái Việt Nam” về TP Huế vào ngày 21/4 theo đúng như ước nguyện của tác giả - cố họa sĩ điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn cách đây 9 năm.

Tượng Cô gái Việt Nam được giới mỹ thuật Việt Nam xem là 1 trong những tác phẩm để đời của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn như: tượng Quán Thế Âm bằng đồng (đặt tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, đường Lê Lợi, TP Huế), tượng chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bằng đồng cao 3,5m (đặt tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu, đường Phan Bội Châu, TP Huế), tượng Phật Thích Ca bằng xi măng cao 4,5m (đặt tại chùa Huệ Nghiêm, TP HCM).
Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 1
Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn lúc còn sống bên tượng “Cô gái Việt Nam” tại TP HCM (ảnh tư liệu)
 
 
Bức tượng Cô gái Việt Nam có chiều cao 2,6m nặng gần 5 tấn do điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tạc năm 1970 tại xưởng điêu khắc cá nhân của ông tại Sài Gòn. Khi ông ra nước ngoài định cư tại Úc, bức tượng tạm chuyển đến nhà một người bà con của ông ở số 10 đường Lê Ngô Cát, Q3, TP HCM.

Trước khi qua đời năm 2002, Lê Thành Nhơn đã gửi thư cho 1 người bạn là dịch giả, nhà Huế học Bửu Ý đang sống tại TP Huế với ý muốn bức tượng Cô gái Việt Nam sẽ được về với Huế.

Trong thư, ông viết: “Pho tượng “Cô gái Việt Nam” mình tạc vào năm 1970, đầu mùa chương trình thực hiện các tượng danh nhân Việt Nam. Ngôi nhà Nguyễn Du sau này thuộc về người Nhật. Pho tượng sẽ được chở về Nhật hoặc bị đập bỏ nhường chỗ cho xây cất của họ. Chính vì lý do này mà mình cầu được tượng ra khỏi nhà Nguyễn Du mà tác quyền vẫn được của mình. Nay tóc Nhơn đã rụng sạch đầu. Thư này viết cho Bửu Ý nói lời thầm hỏi nồng nàn và sâu xa nhứt. Và mình muốn nhờ Bửu Ý đưa giùm pho tượng cuối cùng này của Nhơn về Huế. Nếu thấy được, xin ông bỏ chút công đức liên lạc với quý vị có quyền chức yêu nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc "Cô gái Việt Nam" hứng một thoáng mù sương, một thoáng nắng chơi”.

Thực hiện và tôn trọng nhà cố điêu khắc tài ba, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần cất công liên lạc, trao đổi với gia đình Lê Thành Nhơn và nơi đang đặt tượng hiện tại. Sau nhiều năm, công việc đã hoàn thành với sự đồng ý của 2 bên.

Ngày 16/4 vừa qua, tại TP HCM, Sở VH-TT-DL tỉnh TT-Huế đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và gia đình nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận, đưa tượng “Cô gái Việt Nam” về Huế.

Trưa 21/4, bức tượng đã được đưa về TP Huế an toàn và tạm đặt ở công viên Hai Bà Trưng (trước trường nữ sinh Đồng Khánh xưa, hiện nay là trường THPT Hai Bà Trưng) Vài ngày nữa, khi bệ tượng hoàn tất, tượng Cô gái Việt Nam sẽ được cẩu lên bệ tại công viên này nhân kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2011), hoàn thành ý nguyện của cố điêu khắc tài ba đã có công lớn với Huế trong lĩnh vực nghệ thuật.

Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 2

Tượng Cô gái Việt Nam đã về Huế trưa 21/4.
 
Nhà văn Bửu Ý, người bạn thân của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn hoàn toàn đồng tình về vị trí đặt bức tượng. Ông cho rằng, một bức tượng về cô gái và được đặt trước ngôi trường chỉ dành cho nữ sinh trước đây là điều tuyệt vời. Thêm nữa, khoảng không gian bên bờ sông Hương cũng là nơi lý tưởng để du khách có thể chiêm ngưỡng tác phẩm.

Dưới đây là một số hình ảnh về bức tượng “Cô gái Việt Nam” của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn và những tác phẩm để đời của ông hiện có tại Huế.

Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 3

Tượng "Cô gái Việt Nam" rất lớn nằm trước trường Hai Bà Trưng - trước kia là trường nữ sinh Đồng Khánh
 
Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 4

Khuôn mặt rất hiền hậu
 
Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 5

Nơi đặt bệ tượng đang khẩn trương thi công, dự kiến tượng sẽ được đặt trước 30/4
 
Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 6

Tượng sẽ nằm ở công viên Hai Bà Trưng, hướng ra sông Hương thơ mộng. 2 bức tượng “anh em” với tượng này là tượng Quán Thế Âm hiện đang nằm tại Liễu quán Huế và tượng cụ Phan Bội Châu sắp được đem về đặt dưới chân cầu Trường Tiền. Bộ 3 tượng của Lê Thành Nhơn sẽ nằm 1 trục dọc sát sông Hương cho du khách và dân Huế chiêm ngưỡng
 
Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 7

Bức tượng Quán Thế Âm bằng đồng đen của Lê Thành Nhơn mà theo nhiều người khuôn mặt có những nét khá giống với ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất - Khánh Ly
 
Sau 9 năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã về với Huế - 8
Một bức tượng khác của cố điêu khắc đặt tại Huế: Tượng chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bằng đồng cao 3,5m

Đại Dương