1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sạt trượt hồ chứa nước ở Lâm Đồng: Không hẳn do mưa nhiều

Đặng Dương

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tình trạng sạt trượt ở khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng) không hẳn do mưa nhiều, cần khoan địa chất xác định nguyên nhân.

Nhiều vị trí đất khu vực hồ chứa nước tiếp tục sạt trượt

Ngày 8/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cùng đoàn công tác kiểm tra tình trạng nứt, sạt trượt tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Sạt trượt hồ chứa nước ở Lâm Đồng: Không hẳn do mưa nhiều - 1

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình trạng nứt, sạt trượt tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh (Ảnh: Văn Tư).

Trao đổi với đoàn công tác, đại diện UBND huyện Lâm Hà cho biết từ ngày 1/7, đơn vị thi công đã phát hiện tại khu vực sườn đồi vai phải đập hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng 20-30cm, kéo ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ dân.

Đến ngày 20/7, tại dự án, phát sinh các vết nứt về phía thượng lưu công trình. Các vết nứt có chiều rộng 0,5-10cm, ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 2 hộ gia đình.

Ngày 28/7, cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều vết nứt mới tại khu vực dự án hồ chứa nước được đầu tư gần 500 tỷ đồng này. Các vết nứt lan rộng đến 30cm và lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án và sụt lún. Đoạn sụt lún sâu nhất 0,5m.

Ngay khi xảy ra sự cố, UBND huyện Lâm Hà đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, đánh giá sơ bộ về tình hình trượt, sạt lở đất.

Đến nay, cơ quan chuyên môn đã khoan 7/13 mũi khoan, thực hiện xong các công việc đo vẽ địa hình khu vực sạt trượt, đo địa vật lý bằng phương pháp ảnh điện; đang xử lý nội nghiệp. Dự kiến đến ngày 10/8, có kết quả mặt cắt địa chất.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tại nhiều vị trí đất tiếp tục nhão ra và sạt trượt. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng rà soát, theo dõi để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt là di tản người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Sạt trượt hồ chứa nước ở Lâm Đồng: Không hẳn do mưa nhiều - 2

Dự án hồ chứa nước Đông Thanh có diện tích hơn 48ha (Ảnh: Quang Hưng).

Trước tình trạng sạt trượt tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ NN&PTNT mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt, nứt và trượt đất tại khu vực.

Sạt trượt hồ chứa nước ở Lâm Đồng: Không hẳn do mưa nhiều - 3

Qua khảo sát, các chuyên gia cho rằng tình trạng sạt trượt xảy ra không hẳn là do mưa nhiều (Ảnh: Quang Hưng).

Sạt trượt không hẳn do mưa nhiều

Sau khi khảo sát thực tế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các chuyên gia cho rằng, trong tháng vừa qua, lượng mưa tại khu dự án chỉ khoảng 200m. Chính vì thế, tình trạng sạt trượt xảy ra không hẳn là do mưa nhiều.

Bên cạnh đó, qua khảo sát, các chuyên gia nhận thấy, bên cạnh dự án hồ chứa nước Đông Thanh, một số khối trượt trên núi hình thành từ lâu. Thời gian qua, do một số tác động nên khối trượt này bắt đầu hoạt động, gây sạt lở. Từ thực tế trên, tỉnh Lâm Đồng cần tập trung xác định nguồn gốc, nguyên nhân của khối trượt.

"Tỉnh Lâm Đồng đang có 15 mũi khoan, chúng tôi đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định rất rõ nguyên nhân, vị trí để có căn cứ đưa ra giải pháp. Trước mắt, phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và dừng, không trượt nữa. Việc đầu tiên, cần xử lý hệ thống thoát nước mặt và thoát nước ngầm để nước không tác động vào cung trượt này", ông Hiệp nói.

Dự án cần thêm khoảng 100 tỷ đồng

Dự án hồ chứa nước Đông Thanh có diện tích hơn 48ha, do UBND huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư, khởi công năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Dự án có tổng mức đầu tư là 494 tỷ đồng, nhằm cung cấp nước tưới 700ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân và một số mục tiêu khác.

Theo UBND huyện Lâm Hà, trên cơ sở kết quả đánh giá sơ bộ về địa hình, địa chất và kinh nghiệm của các chuyên gia, địa phương này cần khoảng 100 tỷ đồng cho dự án, để đảm bảo an toàn cho khu vực và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh.

Cụ thể, số tiền trên sẽ được chi bồi thường giải phóng mặt bằng (khoảng 35 tỷ đồng); thi công đào đất, giật cấp để giảm tải, xây dựng một số hạng mục công trình để xử lý sạt trượt đất… Tổng diện tích phát sinh khoảng 10ha, với khối lượng đất đào giảm tải 400.000m3.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm