Sát “nách” Hà Nội, MBH vẫn vắng bóng
(Dân trí) - Ít điểm chốt chặn, “hiếm” cảnh sát giao thông nên người điều khiển xe máy ở các vùng nông thôn vẫn chưa “nhiệt tình” với quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
>> Người vùng cao chưa "chuộng" mũ bảo hiểm
Bắt đầu từ chân cầu Chương Dương (Hà Nội) theo hướng đường Bát Tràng, ngày cuối tuần nhưng nhiều người vẫn qua lại con đường đê ven sông Hồng. Mặc dù thuộc địa phận Hà Nội, nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một số chủ phương tiện xe máy không đội MBH khi điều khiển xe.
Hết địa phận xã Bát Tràng, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trên tuyến đường của huyện Văn Giang (Hưng Yên) mới thật sự đáng báo động. Ngay điểm tiếp giáp với Hà Nội, lượng người vi phạm không đội MBH đã khá phổ biến.
Mũ cối...
Các đường liên xã, liên thôn, phần lớn người đi xe máy không đội MBH, ngoại trừ những người điều khiển xe máy từ hướng Hà Nội tạt vào chợ, hoặc những người đi dọc đường đê.
Một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Xuân Quang lý giải: Do chỉ đi đoạn đường ngắn, lại chỉ vào chợ mua bán nên không cần đội mũ.
... đầu trần...
Một người dân khác tên Huấn thì cho rằng số người vi phạm không đội mũ là do họ chủ quan cho rằng ngày cuối tuần không có CSGT trực nên lơ là, không đội. Hơn nữa, lực lượng chức năng ở nông thôn "mỏng" nên khó kiểm soát hết việc chấp hành Luật Giao thông của người dân.
... mũ vải...
Tình trạng vi phạm trên không chỉ giới hạn ở lớp thanh niên "sợ xấu" khi đội MBH. Cả những người lớn tuổi cũng "quên" mang mũ, bất chấp sự nguy hiểm của bản thân.
... đến mũ da...
Điều đáng nói là suốt dọc hành trình, chúng tôi không gặp bóng dáng của bất kỳ một CSGT nào. Người dân vốn đã "ngại" MBH, lại không có lực lượng chức năng kiểm tra, nên cứ tha hồ đầu trần ra phố. Còn suốt tuyến đường từ cầu Chương Dương vào huyện Văn Giang dài hàng chục cây số, chúng tôi cũng chỉ gặp duy nhất một chiếc xe của lực lượng chức năng đang trên đường về.
Một cán bộ hưu trí ở xã Phụng Công cho rằng, dù có chốt chặn thì việc xử phạt cũng rất khó vì còn “vướng” tình làng nghĩa xóm. Người xử lý và người bị xử lý đều là “con cháu trong nhà”.
Bài và ảnh: Trần Hưng