Sạt lở sông Hồng còn nhiều diễn biến phức tạp
(Dân trí) - Khu vực sạt lở ven sông Hồng thuộc phường Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) đã kéo dài tới hàng trăm mét. Toàn bộ các công trình xây dựng thuộc khu vực này đã bị biến dạng, xê dịch do nền đất sạt, lún và trôi dần về phía lòng sông. Các bức tường nhà, tường rào khu vực cận đê chằng chịt những đường rách, nứt...
>> Hơn chục căn nhà “lao” xuống sông Hồng
Trao đổi với Dân trí chiều qua 15/10, một lãnh đạo UBND phường Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) cho biết từ năm 2005 đến nay, tốc độ sạt lở mỗi năm tới 100m đất bãi kéo dài suốt 8 tổ dân cư. Đến năm 2007, tình hình sạt lở đã trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Nằm bên lòng “hà bá”
18 giờ ngày 14/10, chúng tôi quay trở lại khu vực tổ 2, tổ 8 phường Ngọc Thuỵ sau khi nhận được thông tin tình hình sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp và trở nên nguy hiểm. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến khu vực sạt lở đã kéo dài tới hàng trăm mét dọc bờ sông. Toàn bộ các công trình xây dựng dọc bãi sông thuộc khu vực này đã bị biến dạng, xê dịch do nền đất sạt, lún và trôi dần về phía lòng sông Hồng. Các bức tường nhà, tường rào khu vực cận đê chằng chịt những đường rách, nứt.
Đứng ở rìa mép bờ nhìn xuống, mặt sông thấp hơn cả chục thước, đất nhô hẳn trên mặt nước vì phần chân đã bị nước khoét sâu vào phía trong.
Kinh hoàng nhất phải kể đến ngôi nhà 5 tầng không có người ở tại tổ 2, phường Ngọc Thụy. Cả tòa nhà nghiêng hẳn một góc 80 độ so với mặt đất, thân dựa vào một ngôi nhà 2 tầng khác khiến cả hai ngôi nhà đều bị nghiêng trong tư thế dựa vào nhau. Một người dân tại đây cho biết, ngay trong đêm ngày 10/11, chủ nhà đã phải “bỏ của chạy lấy người” và đợi ngày hôm sau mới chuyển tài sản ra ngoài. Thi thoảng, dọc phía bờ sông vẫn vẳng lên tiếng ầm rất sâu từ những khối đất, đá và công trình xây dựng rơi rụng xuống lòng sông.
Trước đó, ngay trong đêm ngày 11/10, lực lượng dân phòng, công an phường Ngọc Thuỵ đã huy động phương tiện ôtô di dời toàn bộ người dân tại khu vực này di tản khỏi khu vực nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo những thông tin mà chúng tôi có được số hộ dân nằm trong diện gặp nguy hiểm không dừng lại ở con số 11 hộ được di dời kể trên. Thực tế, trên địa bàn phường Ngọc Thuỵ từ năm 2005 đến nay, tốc độ sạt lở mỗi năm tới 100m đất bãi kéo dài từ tổ 1 đến tổ 2, 8, 9, 10, 33, 34 và 35.
Từ tháng 8 - 10/2006 tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng tại tổ 2 đã làm sạt lở 4 nhà dân. Năm 2007, tốc độ sạt lở diễn ra chậm hơn nhưng đặc biệt nguy hiểm vì bờ lở nằm sát nhà ở của các hộ dân tại các tổ 1, 2, 8, 9. Cơn bão số 5 kéo theo mưa nhiều, kết hợp với lũ sông Hồng lên nhanh gây sạt lở mạnh ở tổ 2 và tổ 8 phường Ngọc Thuỵ.
Chỉ riêng trên địa bàn tổ 2 đã có 13 ngôi nhà với 30 nhân khẩu nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, có 13 hộ với 45 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. Tại khu vực tổ 8, từ cuối tháng 8/2007 sạt lở bờ bãi sông ngoài bờ vùng Bắc Biên cách chân đê có 3 hộ với 14 nhân khẩu nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thuỵ - cho biết: “UBND phường vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình sạt lở tại các tổ dân cư số 1, 8, 9 và không loại trừ khả năng sẽ di dời các hộ dân nếu tình hình tiếp tục có diễn biến xấu hơn”.
Theo Ban chỉ huy PCLB quận Long Biên, nguyên nhân cuộc “xâm lăng” của sông Hồng là do diễn biến dòng chảy, sự biến động của chế độ thuỷ văn của sông tác động lên bờ bãi có cấu tạo địa chất xấu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không loại trừ khả năng do ảnh hưởng của các hoạt động khác ở lòng sông, bãi sông.
Về hoạt động của các tàu hút cát tại khu vực này, ông Nguyễn Nam Chính cho biết phường đã siết chặt quản lý và nghiêm cấm mọi hoạt động này.
Tái định cư cho hộ dân bị sạt lở ven sông Hồng
Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Chính khẳng định với chúng tôi vào chiều qua. Trước mắt, các hộ dân trong khu vực bị sạt lở ven sông Hồng sẽ được hỗ trợ với mức từ 2 - 5 triệu đồng.
Trong văn bản kiến nghị gửi đến UBND quận Long Biên và UBND thành phố Hà Nội, UBND phường Ngọc Thuỵ đề nghị giải quyết cho 10/11 hộ thuộc diện bị nứt, sạt lở đất ở và công trình tại tổ 2 phường Ngọc Thuỵ sớm được đến nơi định cư mới để ổn định cuộc sống.
Mặt khác, UBND phường cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ đợt 1 cho các hộ có nhà bị đổ và kinh phí thuê, mượn nhà ở và chi tiêu trong những ngày phải di dời. Cụ thể, UBND phường Ngọc Thuỵ đề nghị: với những hộ có 1 đến 2 nhân khẩu là 2 triệu đồng (4 hộ). Hộ có 3 nhân khẩu là 3 triệu đồng (6 hộ). Hộ có 6 nhân khẩu là 5 triệu đồng (1 hộ). Họ có nhà bị đổ là 5 triệu đồng (4 hộ). Tổng mức đề nghị là 51 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Nam Chính, toàn bộ những ngôi nhà bị sạt, bị lún nứt sẽ bắt buộc phải tháo dỡ, UBND phường kiên quyết không để những hộ dân này quay trở lại khu vực đã bị sạt lở.
Theo thống kê của Chi cục Đê điều TP Hà Nội, hiện nay, số nhà dân ven sông Hồng nằm trên miệng “hà bá” là 129 hộ, kéo dài từ Ngọc Thụy đến Bồ Đề (thuộc quận Long Biên).
Phúc Hưng