1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sạt lở ở Hòa Bình: Lo cho người sống đã khó, còn lo cả người "cõi âm"

(Dân trí) - “Hiện 8 hộ dân sạt lở nghiêm trọng đã di dời khẩn cấp, chưa kể khoảng 20 hộ đang trong diện có thể di dời bất cứ khi nào, ngoài ra còn khoảng 100 ngôi mộ chưa biết chuyển đi đâu. Lo ổn định cho người sống đã khó, còn phải lo cho người chết”, ông Phạm Đình Đề - trưởng xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn, Hòa Bình) chia sẻ.

Vừa thoát nghèo đã thành tay trắng

Sáng 5/8, thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ. Trước đó, vào ngày 4/8, khu dân cư thuộc địa phận xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn, Hòa Bình) vẫn cắm biển cấm ô tô di chuyển qua khu tỉnh lộ 445. Mặt tỉnh lộ 445 nối địa phận huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đi Ba Vì (Hà Nội) bị cắt làm đôi bởi các vết nứt rộng hơn 20cm.

Được biết, đây là địa phương có 8 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng khoảng 1 tuần trước đó và đã được chính quyền địa phương sơ tán tới nơi an toàn.

Ngôi nhà bị nứt đôi, mái sập hoàn toàn tại Dân Hạ
Ngôi nhà bị nứt đôi, mái sập hoàn toàn tại Dân Hạ

Theo ghi nhận của PV Dân trí, khu vực sạt lở tại xóm Máy Giấy xuất hiện nhiều vết nứt dài hơn 100m, có điểm rộng tới 40-50 cm, bao quanh 5 hộ dân. Trong đó, có nhiều nhà dân nứt đôi tường nhà, xung quanh cũng chằng chịt các vết nứt.


Bị nặng nhất là ngôi nhà của ông Nguyễn Sơn Hà (SN 1962) bị nghiêng, xiêu vẹo, bung nền móng, tường gạch bị nứt đôi, mái sụt toàn bộ chỉ trơ 4 bức tường. Hiện anh Hà đang phải nuôi hai con bị tàn tật.

Một số hộ khác kế bên cũng bị ảnh hưởng bởi đường đứt gãy, buộc phải dời đi. Ngoài ra, bờ ta-luy dương nơi có nghĩa trang của người dân địa phương cũng bị sạt lở, nguy cơ bị sụt xuống sông.

Anh Nguyễn Xuân Thủy, một trong những nhà bị nứt lún nặng nhất xóm cho biết, gia đình mình đã vội vã chuyển đồ đi sơ tán theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

“Tôi vừa mới thoát nghèo hơn một năm nay, vừa vay mượn xây được căn nhà con, vẫn còn nợ mấy chục triệu chưa trả được, nay bỗng chốc trở nên tay trắng. Giờ chỗ ở còn tạm bợ, chúng tôi chưa biết lấy gì để cho con đi học”, anh Thủy nói.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy, một trong những nhà bị nứt lún nặng nhất xóm đang chỉ những vết nứt chằng chịt trên tường.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy, một trong những nhà bị nứt lún nặng nhất xóm đang chỉ những vết nứt chằng chịt trên tường.

Chị Hà thị Kim Dung, người có 4 gia đình trong họ hàng đều thuộc diện di dời khẩn cấp cho biết, năm 2014, anh chị vay mượn, tích cóp xây được ngôi nhà giá 200 triệu đồng.

Hiện, vợ chồng chị vẫn nợ 54 triệu đồng thì ngôi nhà đã bị sụt lún. “Tích cóp thì cả đời nhưng sau 2 tiếng bỗng nhiên mất trắng”, chị xót xa nói.

Hiện, vợ chồng chị Dung và 2 con đang ở tạm tại nhà công vụ Máy Giấy: “Với khoảng chục mét vuông ở đây, chúng tôi chỉ đủ kê tạm một cái giường ngả lưng. Cũng may chưa rơi vào cảnh màn trời chiếu đất nhưng con cái sắp vào năm học mới, tôi nhìn quanh, chẳng còn chỗ trống nào đủ đặt cái bàn con để cháu học”.

Vết nứt có chiều rộng khoảng 20cm chạy dọc tỉnh lộ 445.
Vết nứt có chiều rộng khoảng 20cm chạy dọc tỉnh lộ 445.

Khẩn trương xây dựng khu tái định cư

Theo ông Đề, hiện 8 hộ dân sạt lở nghiêm trọng đã di dời khẩn cấp, chưa kể khoảng 20 hộ đang trong diện có thể di dời bất cứ khi nào, chúng tôi còn khoảng 100 ngôi mộ chưa biết chuyển đi đâu.

“Ngày hôm nay (5/8), địa phương sẽ lên phương án, dự kiến đưa nghĩa trang Máy Giấy của chúng tôi nhập với nghĩa trang xóm Đồng Sông. Giờ không chỉ lo cho người sống mà còn phải lo cho cả người chết vì hiện tại nghĩa trang cũng đang sụt lún nặng”, ông Đề cho biết.

Nền đất sụt lún, tạo độ vênh khoảng 50cm, chiều rộng vết nứt gần 60cm.
Nền đất sụt lún, tạo độ vênh khoảng 50cm, chiều rộng vết nứt gần 60cm.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 4/8, ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) cho biết, rạng sáng 30/7, trên đường Tỉnh lộ 445 đoạn qua xã Dân Hạ trên địa bàn huyện bị sạt lở và nguy cơ lở đất xuống sông Đà, khiến 8 hộ dân phải di dời khẩn cấp do ảnh hưởng nặng. Còn khoảng 20 hộ dẫn vẫn đang trong tình trạng theo dõi chặt chẽ, có thể di dời bất cứ khi nào nếu gặp nguy hiểm.

Các hộ dân phải di dời khẩn cấp được chuyển đến ở tạm tại Công ty Bột giấy Hòa Bình, đến nhà người thân và ở tạm tại nhà văn hóa xóm Máy Giấy.

Theo ông Minh, hiện chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông, an toàn tính mạng và tài sản cho những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng.

“Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh và đang quy hoạch, làm thủ tục xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở. UBND huyện đã thực địa vị trí xây dựng khu tái định cư cho bà con ở xóm Máy Giấy và đã được chấp thuận phương án này. Địa điểm tái định cư với quy mô khoảng 1ha, nhằm đảm bảo cho bà con yên tâm sinh sống”, ông Minh cho biết.

Tỉnh lộ 445 bị cắt làm đôi bởi vết nứt lớn.
Tỉnh lộ 445 bị cắt làm đôi bởi vết nứt lớn.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Ngọc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn thông tin thêm, ngoài 8 hộ dân di dời, toàn huyện còn 48 hộ dân khác sống ven sông Đà trong khu vực nguy hiểm. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì cùng UBND huyện Kỳ Sơn lên phương án cấp đất, di dời toàn bộ 8 hộ dân bị sạt lở nhà tới nơi định cư mới.

Theo ông Nguyễn Đức Ngọc, ngoài việc lên phương án di dân cho người sống, địa phương cũng đã thông báo tới từng hộ và đang lên danh sách, kế hoạch di dời nghĩa trang tại xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ tới khu vực khác do sạt lở.

Ngôi nhà khổng lồ rơi xuống sông tại Phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình.
Ngôi nhà khổng lồ rơi xuống sông tại Phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình.

Ngoài Dân Hạ, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Hòa Bình, khoảng 18h ngày 30/7, tại khu vực tổ 26 (sát quốc lộ 6), phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình cũng đã xảy ra hiện tượng sạt lở trên diện rộng, ảnh hưởng đến 29 hộ dân (một hộ có đất trống), trong đó có bốn căn nhà sụp đổ hoàn toàn xuống sông Đà.

Sau khi nhận báo cáo về vụ việc ở hai địa phương trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình trong khu vực sạt lở để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân; rà soát các vị trí nguy hiểm, nhất là những công trình dễ sạt lở ven sông; không để người dân quay trở lại khu vực có nguy cơ sạt lở, đề phòng tiếp tục sạt lở.

Mỹ Hà