Sạt lở ở Đồng Tháp: Tính chuyện cưỡng chế di dời dân

(Dân trí) - Tình trạng sạt lở bên bờ sông Tiền ở Đồng Tháp chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi đó thời gian này đã bước vào mùa mưa nên sạt lở sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn. Do vậy chính quyền địa phương đã tính đến biện pháp cưỡng chế di dời dân đến nơi ở an toàn.

Theo nhiều người dân đang liều mình bám trụ sinh sống tại khu vực sạt lở (ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), mấy ngày qua mưa liên tục nên đất bờ sông cứ lở từng mảng lớn. Nhiều nhà dân bắt đầu thu dọn nhà cửa ra phía quốc lộ 30, một số hộ dân đang trông chờ địa phương bố trí nền là dọn nhà ngay…

Chị Nguyễn Thị Lài nằm trong khu vực cần di dời khẩn cấp cho biết: "Tôi đi làm công nhân, nghe tin nhà sắp bị lở xuống sông nên mới xin nghỉ về lo chuyện nhà cửa. Hiện nay nhà tôi chỉ còn cách điểm sạt lở khoảng 3-4m, bây giờ chẳng biết di dời đi đâu vì địa phương chưa bố trí nền".

Khu vực sạt lở bờ sông Tiền, đoạn đi qua ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chưa có dấu hiệu dừng lại
Khu vực sạt lở bờ sông Tiền, đoạn đi qua ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chưa có dấu hiệu dừng lại

Còn hộ ông Nguyễn Văn Pho chia sẻ: "Cán bộ bảo chúng tôi di dời đến nơi ở mới sau đó cán bộ đến kiểm tra việc di dời, nếu đúng họ sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Nói thật trong lúc bà con mất đất, mất nhà vì sạt lở, bà con khó khăn lắm nên bảo chúng tôi di dời xong mới nhận tiền hỗ trợ thì cái khó của bà con càng thêm khó hơn".

Ông Pho còn cho rằng, sạt lở đã gần sát quốc lộ 30, đây là tuyến quốc lộ huyết mạch đi từ TP Cao Lãnh lên các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng và đi sang Campuchia. Nhưng hiện nay, sạt lở đang ăn sâu vào quốc lộ, trong khi đó lưu lượng xe trọng tải lớn lưu thông qua tuyến quốc lộ này dày đặc sẽ làm cho tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn.

Sạt lở ở Đồng Tháp: Chính quyền tính đến biện pháp cưỡng chế di dời dân

Tiếp xúc với nhiều người dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp, đa phần bà con lao động nghèo, lớn tuổi, sống bằng nghề câu lưới hoặc buôn bán nhỏ sinh sống. Do vậy, khi dời về khu dân cư, nhiều người dân lo lắng chẳng biết sinh sống như thế nào, vì không có việc làm, vốn liếng làm ăn.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết, khi sạt lở trên địa bàn ấp Bình Hòa xảy ra, xã đã thống kế số hộ bị ảnh hưởng lên đến 227 hộ, trong đó có 36 hộ cần di dời khẩn cấp. Hiện huyện và tỉnh đã thống nhất lấy sân bóng đá của xã, diện tích 10.000 m2 làm khu dân cư, đồng thời mở rộng thêm khu dân cư hiện hữu để bố trí người dân vùng sạt lở vào ở. Tuy nhiên, hiện nay hai dự án nêu trên chỉ mới làm xong việc bơm cát, do vậy địa phương đã có kiến nghị huyện và tỉnh sớm đầu tư, xây dựng khu dân cư để việc di dời người dân khu vực sạt lở thuận tiện hơn.

Chị Nguyễn Thị Lài đang sốt ruột chờ chính quyền bố trí nền trong khu dân cư để sớm di dời nhà vì nhà chị cách bờ sông khoảng 3-4m
Chị Nguyễn Thị Lài đang sốt ruột chờ chính quyền bố trí nền trong khu dân cư để sớm di dời nhà vì nhà chị cách bờ sông khoảng 3-4m

Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Phiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình - cho biết: UBND huyện thấy được những khó khăn của người dân trong vùng sạt lở nên vừa qua các cấp, ngành tích cực vận động các tổ chức, đơn vị… chia sẻ một phần khó khăn với người dân. Đồng thời đã kiến nghị về tỉnh, sớm đầu tư xây dựng cụm dân cư để bố trí người dân vào ở.

Riêng 36 hộ nằm trong diện di dời khẩn cấp, huyện tiếp tục chỉ đạo địa phương tuyên truyền vận động người dân sớm di dời đến nơi ở an toàn. Nếu thời gian tới tình hình sạt lở diễn biến theo chiều hướng xấu, huyện sẽ dùng biện pháp cưỡng chế di dời dân để đảm tính mạng và tài sản cho người dân.

Nguyên nhân vụ sạt lở tại ấp Bình Hòa, theo ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cho biết, là do đoạn sông uốn cong, chủ lưu dòng chảy ép sát bờ trái sông Tiền (bờ Đồng Tháp), kết hợp nền đất yếu gây sạt lở.

Theo dự báo những ngày tới tình hình sạt lở tiếp tục diễn ra, nguyên nhân do xuất hiện nhiều vết nứt dọc theo bờ sông và ăn sâu vào đất liền 3 -5m. Nếu có mưa, tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn và có khả năng sạt lở kéo dài xuống phía hạ lưu.

Được biết, trong số 36 hộ dân cần di dời khẩn cấp, đến nay chính quyền địa phương đã vận động di dời được 4 hộ vào khu dân cư hiện có của xã (vận động các hộ nhận nền trước đây chưa có nhu cầu ở, nhường lại cho người dân đang bị sạt lở - PV) và 04 hộ thu gọn nhà cửa ra phía quốc lộ 30, trong khi đó tại khu vực sạt lở, cây xăng, nhiều công ty buôn bán vật liệu xây dựng… vẫn hoạt động bên “miệng hà bá”.

Hình ảnh "hà bá" hoành hành bờ sông Tiền ở tỉnh Đồng Tháp gây nên cảnh sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân:

Sạt lở đã nuốt chửng nhiều nhà dân...
Sạt lở đã nuốt chửng nhiều nhà dân...

Sạt lở ở Đồng Tháp: Tính chuyện cưỡng chế di dời dân - 4


Ông Nguyễn Văn Pho đã di dời căn nhà sau ra phía trước, vì hố sâu đã ăn sâu vào nền nhà của ông

Ông Nguyễn Văn Pho đã di dời căn nhà sau ra phía trước, vì hố sâu đã ăn sâu vào nền nhà của ông

Sạt lở ở Đồng Tháp: Tính chuyện cưỡng chế di dời dân - 6

Sạt lở ở Đồng Tháp: Tính chuyện cưỡng chế di dời dân - 7


Chạy giặc lở, nhiều hộ dân còn đất phía trước nên dọn vật dụng, đồ đạc ra sát quốc lộ 30 sinh sống...

Chạy "giặc lở", nhiều hộ dân còn đất phía trước nên dọn vật dụng, đồ đạc ra sát quốc lộ 30 sinh sống...

Sạt lở chỉ cách công trình nước sạch (do Nhật bản tài trợ) chỉ còn 4-5m. Công trình này nhiều năm qua cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân xài miễn phí nhưng nay đang bị hà bá uy hiếp.
Sạt lở chỉ cách công trình nước sạch (do Nhật bản tài trợ) chỉ còn 4-5m. Công trình này nhiều năm qua cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân xài miễn phí nhưng nay đang bị "hà bá" uy hiếp.


Khu đất trên 2.000 m2 liền kề với khu dân cư của xã được chọn làm nơi bố trí cho người dân khu vực sạt lở vào ở, nhưng hiện vẫn chưa có nền giao dân.

Khu đất trên 2.000 m2 liền kề với khu dân cư của xã được chọn làm nơi bố trí cho người dân khu vực sạt lở vào ở, nhưng hiện vẫn chưa có nền giao dân.

Nguyễn Hành