1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đồng Tháp:

Dân vẫn liều mình sinh sống sát “miệng hà bá”

(Dân trí) - Hiện nay khu vực sạt lở ở Đồng Tháp chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nhà dân chỉ cách “miệng hà bá” 3-4m. Địa phương yêu cầu người dân di dời khẩn cấp nhưng vì chén cơm manh áo, người dân vẫn liều mình bám trụ mưu sinh. Đêm ngủ chẳng ai dám đóng cửa nhà.

Đến khu vực sạt lở nguy hiểm bên bờ sông Tiền (ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), PV Dân trí không khỏi ngạc nhiên khi thấy người dân vẫn liều mình bám trụ sinh sống, trong khi nhiều ngôi nhà chỉ cách “miệng hà bá” 3-4m. Đáng nói, thời gian này đã vào mùa mưa, do vậy tình trạng sạt lở sẽ diễn ra nguy hiểm hơn.

Theo người dân ấp Bình Hòa cho biết, hiện tượng sạt lở khu vực này chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là khi mưa xuống
Theo người dân ấp Bình Hòa cho biết, hiện tượng sạt lở khu vực này chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là khi mưa xuống

Hiện khu vực sạt lở chạy dài 2.300m, ảnh hưởng 227 hộ dân. Theo thống kê của UBND xã Bình Thành, từ bờ sông vào, phạm vi từ 0-10m có 42 hộ (có 36 hộ cần di dời khẩn cấp), từ 10 – 25m có 66 hộ, từ 26 – 35m có 54 hộ, từ 36 – 50m có 29 hộ và từ 50 – 70m có 36 hộ. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, PV ghi nhận trong phạm vi từ 2-5m có ít nhất 5 hộ dân vẫn đang liều mình sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Hiệp nằm trong số 36 hộ dân cần di dời khẩn cấp, cho biết, gia đình không có đất nông nghiệp canh tác, chỉ có vỏn vẹn cái nhà và một ít đất còn lại bên hông nhà được tận dụng nuôi ếch làm kế sinh nhai mấy năm qua. Bây giờ địa phương bảo di dời về khu dân cư, nhà 3-4 miệng ăn sẽ làm gì sinh sống? Bởi vậy ông không muốn dọn đi.


Ông Nguyễn Văn Hiệp không có đất sản xuất, mấy năm nay cuộc sống gia đình ông nhờ vào nghề nuôi ếch...

Ông Nguyễn Văn Hiệp không có đất sản xuất, mấy năm nay cuộc sống gia đình ông nhờ vào nghề nuôi ếch...

Còn chị Phan Ngọc Mến (cũng trong diện di dời khẩn cấp) chia sẻ: "Bà con ai cũng thấy sạt lở sát nhà rồi nhưng gia đình tôi và một số hộ dân khác bám vào tuyến quốc lộ 30 này buôn bán, kiếm chút tiền lời sinh sống, trả lãi ngân hàng… Bây giờ chính quyền địa phương bảo bỏ nhà, bỏ đất dời về khu dân cư, vừa tốn tiền cất nhà, vừa không có việc làm… rồi bà con tôi sinh sống thế nào?".


Cả nhà chị Phan Ngọc Mến sống nhờ vào tiệm bún, quán giải khát... nên không muốn rời đi.

Cả nhà chị Phan Ngọc Mến sống nhờ vào tiệm bún, quán giải khát... nên không muốn rời đi.

Có lẽ, hộ dân “xem thường hà bá” nhất là trường hợp vợ chồng ông Võ Văn Thanh (58 tuổi) khi liều mình dựng một cái chòi cách bờ sông đang sạt lở khoảng 1m để làm nghề giăng lưới trên sông Tiền. Theo ông Thanh, trước đây ông có một căn nhà tại khu vực này nhưng vì sạt lở, “hà bá” ngoạm mất nhà, ông được chính quyền địa phương di dời vào khu dân cư ở khoảng 4 năm nay.


Vợ chồng ông Võ Văn Thanh đã từng bị hà bá nuốt mất nhà nhưng vẫn quyết ở lại mưu sinh.

Vợ chồng ông Võ Văn Thanh đã từng bị "hà bá" nuốt mất nhà nhưng vẫn quyết ở lại mưu sinh.

Ông Thanh nói: "Vợ chồng tôi có hơn 20 năm làm nghề câu lưới trên sông Tiền, do vậy các vụ sạt lở lớn nhỏ ở bờ sông này vợ chồng tôi đều chứng kiến. Sạt lở lấy mất đất, nhà của tôi, phải vào khu dân cư ở. Bây giờ lớn tuổi rồi vào công ty ai nhận, do vậy vợ chồng tôi ra đây dựng cái lều cặp bờ sông này đi giăng lưới, mỗi buổi kiếm 10kg gạo... Còn khi nào lở tới thì mình dời chòi vô, chứ không bám bờ sông này, biết làm nghề gì mà sống".


Sạt lở đã sát nhà ông Nguyễn Văn Pho nhưng vì chưa có nơi dọn đi, vợ chồng ông vẫn bám trụ bán nước giải khát và nhận ớt chín về làm.

Sạt lở đã sát nhà ông Nguyễn Văn Pho nhưng vì chưa có nơi dọn đi, vợ chồng ông vẫn bám trụ bán nước giải khát và nhận ớt chín về làm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Bình Thành - cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông vẫn đang diễn biến phức tạp. Địa phương nhiều lần tuyên truyền vận động 36 hộ nằm trong khu vực cần di dời khẩn cấp nhưng đến này chỉ có 3 hộ di dời, 4 hộ thu gọn nhà cửa, đồ đạc ra phía trước.

Nguyên nhân chủ yếu giữ bà con ở lại nơi nguy hiểm này là bởi vào khu dân cư họ không làm ăn được. Hơn nữa hiện nay địa phương chưa có nền giao cho người dân.

Sạt lở Đồng Tháp chưa có dấu hiệu dừng lại

Ngoài ra, ông Phong cho biết thêm, trong số 36 hộ dân có 9 hộ không chịu di dời. Thời gian tới, UBND xã cùng các ban ngành đoàn thể tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tự nguyện chuyển đến nơi ở an toàn. Đồng thời địa phương đã kiến nghị về huyện, tỉnh sớm đầu tư xây dựng khu dân cư để việc di dời người dân vùng sạt lở hiện nay được thuận tiện hơn.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm