1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Sạt lở hồ chứa nước, dân đứng ngồi không yên

(Dân trí) - Vào khoảng 9h sáng ngày 20/1 vừa qua, hồ chứa nước thủy điện Duy Sơn 2 (đập 3.2) thuộc xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bất ngờ bị sạt lở nặng. Hàng trăm m3 nước ồ ạt đổ về hạ lưu, cuốn trôi một số đàn vịt thả nuôi ngay dưới con đập, nhiều cây cối bị xô ngã, nằm trơ gốc, hoa màu bị vùi dập.

Nói về nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở, ông N.V.P. - công nhân trong Hợp tác xã nông nghiệp Duy Sơn 2 cho biết: “Đập 3.2 xây dựng từ năm 1978, đến nay hơn 38 năm, công trình đã xuống cấp, nước dưới đáy hồ rò rỉ lâu ngày gây sụt lún lớp đất cát dưới lòng bờ kè khiến đập bị sạt lở”.

Con đập bị sạt lở cuốn trôi đất đá
Con đập bị sạt lở cuốn trôi đất đá

 

Hồ 3.2 có diện tích 700.000 m2, dung tích chứa khoảng 250.000m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 100ha lúa, tập trung chủ yếu ở các thôn Chiêm Sơn, Trà Kiệu Tây, Kiệu Châu, Trà Châu của xã Duy Sơn, đồng thời dẫn nước tưới cho các vùng lân cận.

Nhiều cây cối cũng bị cuốn trôi
Nhiều cây cối cũng bị cuốn trôi

 

Sự cố vỡ đập gây nguy cơ thiếu hụt trầm trọng lượng nước dành cho tưới tiêu trong nông nghiệp, nhất là cho vụ lúa Đông – Xuân hiện nay. Hàng trăm hộ nông dân ở xã Duy Sơn đang đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi đã gieo mạ được hơn 1 tháng, lúa đang cần nước để phát triển.

Bà Lê Thị Phụng lo lắng cho ruộng lúa có thể chết khô nếu thiếu nước
Bà Lê Thị Phụng lo lắng cho ruộng lúa có thể chết khô nếu thiếu nước

 

Bà Lê Thị Phụng – một nông dân ở đây – cho biết: “Nếu khoảng 1 tháng nữa mà hồ chứa nước này chưa được sửa chữa xong, mưa cũng không có thì vụ lúa Đông Xuân này cũng bỏ khô cho chết. Mong chính quyền sớm có biện pháp khắc phục”.

Đang chăm sóc cho ruộng lúa của mình, ông Nguyễn Chín - một nông dân khác - cho biết: “Nếu trong tháng tới đập chưa được sửa xong thì chúng tôi cũng chỉ biết trông vào nước trời, không thì cũng đành chịu mất trắng”.

Nhiều vết nứt dài gần 2m xuất hiện dọc thân đập
Nhiều vết nứt dài gần 2m xuất hiện dọc thân đập

 

Ông Chín cho biết thêm, gia đình ông cũng đã tính đến việc sẽ chuyển đổi cây trồng sang những loại cây ngắn ngày ít cần nước như sắn, đậu… đề phòng việc bỏ trống đất trồng trong các vụ tới.

Hiện việc khắc phục đang được công nhân tiến hành, tuy nhiên người dân cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng liên qua cần chủ động đưa ra các phương án có tính lâu dài để đảm bảo an toàn cho đập thủy điện cũng như đời sống, sản xuất của nông dân trên địa bàn.

Công nhân đang chuẩn bị máy hút để vét nước lòng hồ, sửa chữa đập
Công nhân đang chuẩn bị máy hút để vét nước lòng hồ, sửa chữa đập

 

Ngoài vùng đã bị sạt lở, xung quanh thân đập thủy điện Duy Sơn 2 cũng phát hiện được nhiều vết nứt dài, rộng có nguy cơ dẫn đến vỡ đập nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.

Sáng 23/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng nông nghiệp huyện Duy Xuyên – cho biết, hiện nay công nhân đang khắc phục đập. Tuần tới sẽ hoàn thành việc khắc phục.

Ông Năm cũng cho biết, việc đập bị sạt lở không ảnh hưởng nhiều đến vụ Đông Xuân vì hiện này bà con đã gieo sạ hết, việc khắc phục để chuẩn bị chứa nước cho vụ Hè Thu sắp đến.

T.Én-T.Đào-C.Bính