Xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa có 2,5 km chạy dọc ven bờ sông Mã. Từ năm 1998, nhà nước đã quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng tuyến kè dài 1,5 km để bảo vệ đất đai và nhà cửa cho hàng trăm hộ dân sống bên ngoài đê của xã Thiệu Dương. Nhưng từ năm 2006 đến nay đã xảy ra tình trạng sụt lún hư hỏng khoảng 300 m bờ kè. Rất nhiều đoạn bị sụt lún kéo theo lớp đá kè trôi tuột xuống sông.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Mã đã gây ra sạt lở như thế này
Nghiêm trọng hơn là tình trạng sạt lở đất ở những đoạn chưa kè, kéo dài hơn 500 m và ngày càng ăn sâu vào khu vực nhà dân. Đã có nhiều gia đình phải di chuyển đi nơi khác vì đất đai đã bị trôi xuống sông. Nhiều điểm vết sạt lở khoét sâu vào bờ cao chừng 3 - 4 m tạo thành vách đứng và chỉ cần mỗi đợt nước sông dâng lên là từng mảng đất thi nhau đổ ụp xuống sông. Người dân nơi đây đang rất lo lắng trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất canh tác dọc theo bờ sông sẽ không còn giữ được nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Thôn 7, thôn 8 là hai thôn chịu ảnh huởng nặng nề nhất từ tình trạng sạt lở này, đã có nhiều diện tích đất canh tác của bà con bị nước sông cuốn trôi, nhiều gia đình phải di dời nhà cửa đi nơi khác.
Ông Lê Văn Nguyên, thôn 9, Thiệu Dương chỉ tay về phía bờ sông nói: “Trước đây còn có gần chục hộ dân và một bãi trồng rau màu ở ngoài đó nhưng giờ không còn nữa, gia đình tôi sống ở trong sâu mà giờ thành ở ngoài rìa. Nếu cứ đà này chắc không lâu nữa thì nhà tôi cũng xuống sông mất, mới mấy năm trở lại đây mà tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào khoảng 300 m ”.
Không riêng gì gia đình ông Nguyên mà hàng trăm gia đình khác cũng cùng chung nỗi lo trước tình trạng sạt lở đất ven sông này. Theo phản ánh của người dân thì hiện tượng sạt lở là do tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông.
Từng mảng đất hai bên bờ sông Mã sạt lở
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tuấn, quyền Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương cho biết: Do nền đất yếu nên lâu ngày dẫn đến tình trạng sụt lún, hay mỗi khi nước lụt dâng lên kéo theo lớp phù sa dưới chân nên kè bị sụt xuống. Những điểm sụt lún và sạt lở đều nằm gần sát với khu vực dân cư sinh sống nên bà con rất lo lắng trước tình trạng này.
Từ khi phát hiện tình trạng sụt lún bờ kè và sạt lở đất đai, nhiều lần địa phương đã làm tờ trình lên trên nhưng không thấy hồi âm. Mới đây đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa về tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh nên vừa qua có một đoàn cán bộ của huyện về khảo sát thực trạng trên. Ngoài ra, chính quyền xã thường xuyên động viên người dân theo dõi kiểm tra nếu có hiện tượng thì kịp thời khắc phục.
Mùa mưa bão đang đến gần, để hàng trăm hộ dân ở đây yên tâm sản xuất và không phải thấp thỏm với nỗi lo khi mùa mưa đến, thiết nghĩ các ngành chức năng cần sớm quan tâm khắc phục tình trạng trên.
Hàng ngàn hộ dân bên bờ sông Mã nơm nớp lo sở bởi tình trạng sạt lở như thế này
Đến cả bờ kè cũng bị xói mòn
Khai thác cát bừa bãi là nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông Mã nhiều năm qua.
Chính quyền địa phương biết, nhưng cũng bất lực với nạn "cát tặc"
Nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu của dân bị xói lở
Người đàn ông này dự đoán vài năm nữa, nhân dân hai
bên bờ sông Mã sẽ khốn đốn vì tình trạng sạt lở ngày càng trầm trọng.
Duy Tuyên - Nguyễn Duy