Hà Tĩnh:
Sạt lở bờ sông đe dọa hàng ngàn hộ dân
(Dân trí) - Tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang bị đe dọa bởi sự sạt lở nghiêm trọng của dòng sông Ngàn Mọ đoạn chảy qua địa phận huyện Cẩm Xuyên.
Sông “nuốt” nhà, trường học, đường xá…
Hiện nay, hơn 1.700 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu thuộc 10 thôn của xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên ở hai bên bờ sông Ngàn Mọ đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ đất ở, nhà cửa và tài sản bị “hà bá” nuốt chửng.
Chứng tích của trận lũ lịch sử cuối năm 2010 vẫn còn sót lại một vài bức tường nhà của những hộ gia đình bị “hà bá” cuốn trôi nằm chênh vênh hai bên bờ sông. Những khóm tre ngày trước là hàng cây chắn lũ quanh vườn của người dân, nay cũng đã bị “hà bá” kéo ra tận giữa lòng sông.
Ông Đặng Khoa Trường (xóm Trần Phú, xã Cẩm Duệ) sống bên bờ sông Ngàn Mọ nói trong bất an: “Gia đình tôi sống ở đây đã hàng chục năm trời nhưng những năm gần đây mới chứng kiến cảnh con sông này bị sạt lở nghiêm trọng như thế. Đặc biệt là sau trận lũ lịch sử cuối năm ngoái tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Thời gian gần đây chúng tôi không sao ăn ngon, ngủ yên và luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sông nuốt nhà”.
Tình trạng sạt lở không chỉ gây hoang mang cho hàng ngàn hộ dân nơi đây mà đó còn là nỗi lo của các ngôi trường đóng trên địa bàn xã này. Thầy và trò trường THCS xã Cẩm Duệ, nơi mà chúng tôi ghé thăm cũng đang phải dạy và học trong tình trạng bất an.
Thầy Trần Văn Lam - Phó Hiệu trưởng trường THCS xã Cẩm Duệ - lo lắng: “Hiện tại những thiệt hại ban đầu nhà trường đang cố gắng khắc phục và lãnh đạo trường cũng đã gửi đơn lên xin cấp trên giúp đỡ. Nhưng về lâu dài nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời chúng tôi lo sợ con sông Ngàn Mọ sẽ lấn sâu vào khuôn viên nhà trường gây thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng của hàng trăm giáo viên và học sinh trường THCS Cẩm Duệ”.
Khắc phục sạt lở: xã gặp khó, huyện "chờ nguồn"
Trao đổi với PV Dân trí về tình trạng sạt lở của dòng sông Ngàn Mọ, ông Hà Huy Triền - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: “Chiều dài bờ sông bị sạt lở trên địa bàn xã ngày một cơi nới đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.700 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu. Thế nhưng hiện tại hầu hết các hộ dân sống ở khu vực nguy hiểm vẫn phải bám trụ vì cuộc sống của người dân đang rất khó khăn nên không thể mua đất để chuyển đến nơi ở mới. Trong khi quỹ đất của xã ngày một co hẹp nên để chuyển nơi tái định cư mới cho những hộ này là hết sức khó khăn với chính quyền xã”.
Vẫn biết sự nguy hiểm cận kề nhưng đành bó tay vì khoản kinh phí quá lớn vượt tầm của chính quyền xã. Sự lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt trong mùa mưa bão đang đến cận kề tính mạng của họ đang nằm trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Với tốc độ sạt lở rất nhanh chóng như hiện nay nếu không sớm tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời thì chỉ trong vòng một thời gian ngắn nữa thôi nguy cơ làng mạc ven bãi bồi đều bị dòng sông này "nuốt chửng ", một số trụ sở hành chính đóng trên địa bàn xã cũng bị "xóa sổ". Trong điều kiện khó khăn của địa phương, giải pháp của chính quyền xã là huy động hết nguồn nhân lực toàn xã để đắp bờ kè thủ công, tổ chức trồng tre, đóng cọc tre, kè đá một số nơi,… Nhưng xem ra tất cả mọi nổ lực của chính quyền xã và người dân nơi đây cũng không mấy khả thi vì chỉ sau một trận mưa nhỏ tất cả dường như đều lại trả xuống sông.
Ông Bùi Quang Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết: "Sau khi nhận được báo cáo từ xã, ban chỉ đạo của huyện đã trực tiếp xuống khảo sát, đồng thời gửi công văn cho tỉnh để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, đây là việc hết sức khó khăn nên không thể giải quyết một sớm một chiều, để khắc phục được tình trạng này cần phải có nguồn kinh phí rất lớn trong khi ngân sách của huyện cũng đang rất khó khăn".
Bắc Tài - Văn Dũng