1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nam Định:

Sắp xây dựng cầu Ninh Cường trên 582 tỷ đồng vượt sông Ninh Cơ

Phùng Minh

(Dân trí) - Cầu Ninh Cường dự kiến được xây dựng từ tháng 9/2024 đến hết tháng 8/2025, trên địa bàn huyện Trực Ninh và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên quốc lộ 37B vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Cầu Ninh Cường sẽ được triển khai trên địa bàn huyện Trực Ninh và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nằm cách cầu phao Ninh Cường hiện trạng 80m về phía hạ lưu.

Điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Trực Phú, huyện Trực Ninh và điểm cuối thuộc địa phận thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng; tổng chiều dài tuyến khoảng 1,65km. Thời gian dự kiến xây dựng cầu Ninh Cường từ tháng 9/2024 đến hết tháng 8/2025.

Sắp xây dựng cầu Ninh Cường trên 582 tỷ đồng vượt sông Ninh Cơ - 1

Vị trí xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ, tỉnh Nam Định (Ảnh: ĐTM).

Theo báo cáo ĐTM, quốc lộ 37B nối ba tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam có chiều dài 139km; kết nối cảng Diêm Điền, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, các khu du lịch Đồng Châu, cồn Vành, Cồn Đen (tỉnh Thái Bình), bãi tắm Quất Lâm (Nam Định) và các di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Hét (Thái Bình), Phủ Dầy (Nam Định)...

Quốc lộ 37B là một trong những trục giao thông xương sống của tỉnh Nam Định, đi qua 6 huyện và có vai trò đặc biệt quan trọng tạo thành vành đai kết nối các quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn.

Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng quốc lộ 37B đang bị gián đoạn tại vị trí vượt sông lớn - sông Ninh Cơ và sông Đáy. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường có tác dụng lan tỏa, kết nối Nam Định với các tỉnh trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch.

Cầu Ninh Cường sau khi hoàn thành còn giúp giảm tải xung đột giao thông giữa tuyến quốc lộ 37B và các phương tiện giao thông thủy lưu thông trên sông Ninh Cơ, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự giao thông trên địa bàn Nam Định. Đặc biệt nâng cao hiệu quả khai thác Nhà máy nhiệt điện Hải Hậu do chính phủ Hàn Quốc đầu tư.

"Việc đầu tư xây dựng dự án là cần thiết và cấp bách giúp nâng cao khả năng khai thác và hiệu quả của dự án cầu Thịnh Long, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn giữa các trung tâm kinh tế, nhằm khai thác hết tiềm năng kinh tế, du lịch ven biển và an ninh quốc phòng", báo cáo ĐTM của dự án nhấn mạnh.

Dự án xây dựng cầu Ninh Cường được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. 

Tổng mức đầu tư trên 582 tỷ đồng

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cầu Ninh Cường có tổng vốn thực hiện dự kiến hơn 582 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA hơn 20 triệu USD, tương đương gần 467 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 115 tỷ đồng.

Thủ tướng quyết định Ngân sách nhà nước sẽ cấp phát 100% vốn ODA. Vốn đối ứng sẽ dùng ngân sách của Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm