1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sắp trình Quốc hội thông qua dự án sân bay Long Thành

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị lên Thủ trướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp vào tháng 5 tới đây cho Dự án Xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Trước đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (CHKQT) đã đồng ý thông qua Báo cáo đầu tư Dự án vào giữa tháng 4. Khi đó, có 13/16 thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu đồng ý cho Bộ GTVT hoàn thiện báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định trong cuộc họp gần nhất.

Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành 
Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành 

Trong tờ trình vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng CHKQT Long Thành, Bộ GTVT cho biết CHKQT này được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa; giai đoạn 2 nâng cấp lên 50 triệu khách/ năm; giai đoạn 3 nâng cấp lên 100 triệu khách/ năm, trở thành CHKQT trung chuyển.

Với giai đoạn 1 của Dự án, tổng mức đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD (hơn 164.000 tỷ đồng), trong đó chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 5,618 tỷ USD. Tuy nhiên, xác định việc huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư Dự án khó khăn nên Bộ GTVT đã nghiên cứu tính toán phương án phân kỳ cho giai đoạn 1 thành giai đoạn 1a và 1b. Trong đó, giai đoạn 1a sẽ xây dựng 1 đường băng và nhà ga hành khách công suất khoảng 17 triệu khách/năm, GPMB 2.565,4 ha (dự kiến khởi công năm 2016, khai thác năm 2023) với tổng mức đầu tư của giai đoạn 1a được tính toán là khoảng 5,621 tỷ USD; giai đoạn 1b xây thêm 1 đường băng, hoàn thành đầu tư toàn bộ giai đoạn 1, GPMB khoảng 5.000ha.

Bộ GTVT cho biết, nguồn vốn đầu tư sẽ theo nguyên tắc nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn như: Khu bay, GPMB, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc... huy động từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA với giá trị dự kiến khoảng hơn 2,713 tỷ USD. Các hạng mục thành phần dịch vụ khác có khả năng thu hồi vốn đầu tư như ga hành khách, ga hàng hóa, sân đỗ ô tô, khu sử chữa bảo dưỡng máy bay, hệ thống cung cấp nhiên liệu, chế biến thức ăn và các công trình thương mại khác... sẽ khuyến khích tư nhân đầu tư với giá trị dự kiến khoảng 2,907 tỷ USD.

Theo Bộ GTVT, hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Dự án ngỏ ý mốn hợp tác đầu tư vào các hạng mục với nhiều hình thức như đối tác công tư (PPP), xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT)... Trong đó Tập đoàn ADPi của Pháp đề nghị đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và huy động 1 tỷ USD từ ngân hàng.

Được biết, ý tưởng về CHKQT Long Thành được đề cập từ năm 1980. Theo đó, đã có 37 tổ chức, 67 chuyên gia trong ngoài nước tham gia nghiên cứu và hoàn thiện ý tưởng xây dựng CHKQT Long Thành với quy mô là trung tâm trung chuyển hàng không, cạnh tranh với các CHK trung chuyển trong khu vực và thế giới. Tháng 10/1997, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định quy hoạch mạng lướng CHK, sân bay toàn quốc, trong đó có sân bay Long Thành.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm