1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Sáp nhập xã, hàng trăm cán bộ, công chức lo "mất ghế"!

(Dân trí) - Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập lớn trong cả nước (chiếm hơn 10%). Việc sắp xếp giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến hàng trăm cán bộ, viên chức đứng trước nguy cơ “mất chỗ” và chưa  biết đi đâu về đâu.

Cán bộ băn khoăn: Ai đi, ai ở?

Từ 635 đơn vị, Thanh Hóa sẽ sáp nhập còn 559 xã, phường, thị trấn, có hàng trăm cán bộ, công chức dư thừa. Điều mà dư luận quan tâm nhất là việc bố trí, sắp xếp từ 2 đến 3 xã, phường thị trấn thành 1 đơn vị, người đứng đầu, rồi cấp phó sẽ được sắp xếp, bố trí ra sao.

Theo phương án được tỉnh đưa ra, Bí thư, Chủ tịch xã, sau khi sáp nhập mà không bố trí được chức vụ tương đương thì cho phép bố trí làm Chủ tịch HĐND chuyên trách ở xã mới đến tháng 4/2020 thì bố trí lại. Hoặc là bố trí cán bộ làm Phó Bí thư Đảng ủy xã khác, đến trước đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đối với cán bộ cấp phó, trong trường hợp không bố trí được việc khác thì được giữ nguyên số lượng cấp phó của các xã sáp nhập gồm Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND.

Sáp nhập xã, hàng trăm cán bộ, công chức lo mất ghế! - 1

Xã Hoằng Khánh là một trong những xã phải sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Về chức danh Phó Bí thư Đảng ủy của 2-3 xã sáp nhập, nếu vẫn còn đủ tuổi tái cử ở nhiệm kỳ sau, có năng lực, đủ điều kiện tiêu chuẩn mà không thể bố trí được ở xã mới thì có thể điều chuyển làm Phó Bí thư tăng thêm ở một xã khác đến tháng 4/2020, thời điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là phải bố trí lại. Đối với các ban đoàn thể, sẽ bố trí 1 người làm trưởng, 2 người còn lại đủ điều kiện sẽ vận động họ làm Phó đoàn thể nhưng được giữ nguyên lương như cấp trưởng và chờ đến Đại hội sẽ bố trí, sắp xếp lại…

Với phương án này, trước mắt sẽ giảm đơn vị hành chính cấp xã về mặt cơ học, còn về số lượng cán bộ, công chức sẽ bị dồn và nhiều người trong số đó sẽ "mất ghế" do sáp nhập. Câu hỏi đang được cán bộ, công chức ở Thanh Hóa đặt ra là ai sẽ ở lại, ai ra đi... và tiêu chí nào để căn cứ xét và sắp xếp? Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của chính cán bộ, công chức bị ảnh hưởng.

Ông Lê Duy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân cho biết: “Đối với anh em cán bộ chúng tôi thực sự mà nói tư tưởng cũng có những dao động nhất định. Nay mai sắp xếp không biết mình sẽ đi đâu về đâu, có làm nữa hay không”.

Theo phương án sáp nhập, thị trấn Bút Sơn (huyện Hoằng Hóa) sẽ được sáp nhập cùng 2 xã Hoàng Vinh và Hoàng Phúc. Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết, khó khăn trong việc sắp xếp lại cán bộ, nhất là các tổ chức hội, đoàn thể khiến không chỉ cán bộ trong diện sắp xếp phải đau đầu.

“Mình cũng có băn khoăn chứ. Băn khoăn không biết mình đi đường nào, nhưng mình là trách nhiệm cán bộ tuyên truyền động viên cho anh em nên xác định rõ dù làm gì, ở đâu cũng phải sẵn sàng. Qua nắm bắt tâm tư anh em tôi thấy, một số chức danh không nằm trong điều động luân chuyển thì không xác định được đi đâu làm gì, cái này tỉnh và huyện phải vào cuộc thôi” - ông Sơn cho biết.

Theo phân tích của người đứng đầu thị trấn Bút Sơn, đối với đội ngũ công chức chuyên môn, hay các chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch UBND, việc điều động đi xã khác không đáng lo ngại vì việc này nằm trong đề án điều động, luân chuyển cán bộ. Bận tâm nhất là chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể hiện nay chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển nên sẽ gặp những khó khăn.

Chưa có tiêu chí để lựa chọn!

Huyện Hoằng Hóa có 11 xã, thị trấn phải tiến hành sáp nhập và mở rộng quy mô với 220 cán bộ, Đảng viên bị ảnh hưởng. Con số cán bộ, công chức bị ảnh hưởng do sáp nhập ở huyện Thọ Xuân còn lớn hơn nhiều vì số xã phải sáp nhập là 22 đơn vị. Thế nhưng, đến thời điểm này, không phải chỉ có Thọ Xuân, hay Hoằng Hóa mà hầu hết các địa phương ở Thanh Hóa vẫn chưa đưa ra được tiêu chí cứng cho việc lựa chọn cán bộ.

Sáp nhập xã, hàng trăm cán bộ, công chức lo mất ghế! - 2

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết chưa nhận được hướng dẫn lựa chọn cán bộ dựa vào tiêu chí nào.

“Hiện nay, địa phương chưa nhận được hướng dẫn lựa chọn cán bộ dựa trên tiêu chí nào sau khi sáp nhập, vì việc này cũng rất khó. Về bằng cấp, trình độ chuyên môn, cán bộ ở thị trấn Bút Sơn đều đảm bảo, 16/20 người có bằng đại học, 19 người có bằng trung cấp chính trị. Còn về năng lực, bằng hoạt động thực tiễn, qua kết quả đánh giá phân loại cán bộ, công chức cuối năm, chúng tôi cũng có thể đánh giá sơ bộ được. Nhưng để đưa tiêu chí cứng vào văn bản thì hiện nay chưa có” – ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh thừa nhận, đây là việc khó. “Lúc đầu cũng băn khoăn về phương án bố trí sắp xếp đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt ở xã, rất may là Lang Chánh, vị trí chủ tịch đang để trống… Việc sắp xếp ở một số đoàn thể, khi có chủ trương của tỉnh rồi thì những vị trí thiếu không bổ sung. Khi lựa chọn thì phải căn cứ trên năng lực, trình độ chuyên môn, tuổi rồi quy định của nhà nước” – ông Hồng nói.

Việc cán bộ, công chức ở Thanh Hóa lo lắng trong bố trí cán bộ sau sáp nhập xã, phường là điều dễ hiểu. Mặc dù có đến hàng nghìn cán bộ, công chức bị ảnh hưởng, thế nhưng chưa có 1 tiêu chí nào được đưa ra làm cơ sở cho việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ?

Chỉ còn 3 tháng nữa việc sáp nhập phải hoàn tất, hàng trăm cán bộ, công chức… ai đi, ai ở lại, ai tiếp tục ở vị trí trưởng hay phó… đang là 1 câu hỏi đầy lo lắng đối với những người trong cuộc. Nếu việc bố trí, sắp xếp cán bộ không được thực hiện công khai, minh bạch sẽ tạo ra những dư luận trái chiều và gây bất an trong đội ngũ cán bộ, công chức. Và ai dám chắc với cách làm theo hướng mở, không có tiêu chí để soi, để giám sát thì liệu có tránh được tiêu cực?

Bình Minh