1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sắp hết hạn thí điểm cơ chế đặc thù, TPHCM đã làm được gì?

Q.Huy

(Dân trí) - Gần 5 năm kể từ khi được thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM đã có bước tiến lớn trong phát triển, nhưng cũng có nhiều việc chưa thể tận dụng để tạo nguồn thu.

Cuối năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết trên ra đời trong bối cảnh, đô thị sôi động nhất cả nước cần những đòn bẩy lớn về nhiều mặt nhằm tạo sự phát triển mạnh mẽ, tương xứng vị thế đầu tàu.

Nghị quyết 54 có thời hạn 5 năm và TPHCM sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Để đảm bảo tính liên tục của các chính sách đã và đang thực hiện, thành phố đã đưa ra kiến nghị tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.

Sắp hết hạn thí điểm cơ chế đặc thù, TPHCM đã làm được gì? - 1

TPHCM đã có bước phát triển mạnh mẽ sau khi có Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù (Ảnh: Hải Long).

Nhìn lại quãng thời gian dài kể từ khi nghị quyết đặc biệt ra đời, TPHCM đã đạt được những thành tựu nhất định đối với sự phát triển. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung trong Nghị quyết đó vẫn chưa được tận dụng và phát huy.

Những điều chưa làm được

Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - đánh giá, một trong những nội dung thành phố đã phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Vị đại biểu Quốc hội này phân tích, năng suất lao động của thành phố gấp khoảng 2,7 lần bình quân cả nước, mỗi cán bộ làm việc tại đây có khối lượng công việc lớn, do đó, việc chi thu nhập tăng thêm để hỗ trợ họ là hợp lý.

"Thành phố đặt mục tiêu chi hỗ trợ gấp 1,8 lần tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, nhưng thật ra chưa bao giờ đạt con số ấy. Dù vậy, việc chi thu nhập tăng thêm đã góp phần thúc đẩy họ làm việc tích cực hơn, có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ", ông Trần Hoàng Ngân nhận định.

Sắp hết hạn thí điểm cơ chế đặc thù, TPHCM đã làm được gì? - 2

Nhiều dự án lớn của TPHCM được rút ngắn tiến độ do cơ chế, chính sách đặc thù (Ảnh minh họa: Hải Long).

Nghị quyết 54 cũng cho phép TPHCM được chủ động, xem xét chuyển mục đích các dự án trên 10 ha trồng lúa và trình HĐND thành phố xem xét. Đến nay, UBND TPHCM đã trình lên 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trên 10 ha đất trồng lúa, với tổng diện tích hơn 1.800 ha.

Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được chuẩn bị tốt, 31/32 dự án chưa hoàn thành tiến độ, dự án còn lại đã bị hủy bỏ danh mục thu hồi. Theo đánh giá của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, qua công tác giám sát, UBND thành phố còn chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cần quan tâm rà soát để thực hiện đầy đủ theo Luật Đất đai.

TPHCM đã trình HĐND thành phố quyết định chủ trương 6 dự án nhóm A, vốn thuộc thẩm quyền của Trung ương trước đây. Tuy nhiên, tất cả 6 dự án nhóm A đều chậm tiến độ, trong đó, 3 dự án chậm tiến độ do nhiều khó khăn, vướng mắc và 3 dự án chưa thực hiện.

Đối với những nội dung nhằm tăng mức thu cho TPHCM, đến nay, thành phố đã ban hành điều chỉnh mức thu phí đối với nước thải công nghiệp. Tuy số thu không nhiều, nhưng mục đích chủ yếu của loại phí này là thay đổi nhận thức, hành vi các tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, TPHCM chưa thực hiện được việc tăng nguồn thu từ hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa phát sinh nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn; chưa phát sinh số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước.

TPHCM cần làm gì tiếp theo?

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54 sáng 10/5, ông Nguyễn Trần Phú - Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - cho biết, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chủ động hơn, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án kể từ khi có các cơ chế, chính sách đặc thù. Để đảm bảo tính liên tục của các chính sách, TPHCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trước đây.

"Các cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp thành phố phát huy tốt hơn lợi thế tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững", lãnh đạo Sở Tài chính khẳng định.

Trong số các nội dung đề xuất với Quốc hội, TPHCM cũng mong muốn được giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% đến năm 2025. Việc này nhằm tạo điều kiện có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ chiến lược, ưu tiên phát triển hạ tầng, đặc biệt các dự án trọng điểm.

Sắp hết hạn thí điểm cơ chế đặc thù, TPHCM đã làm được gì? - 3

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM (Ảnh: Q.H.).

Kết luận tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - đánh giá, ngoài những mặt làm được, địa phương còn một số nội dung của Nghị quyết 54 triển khai còn chậm. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa được phát huy như mong đợi. Thành phố cần làm rõ, phân tích kỹ điểm mạnh, điểm yếu của từng chi tiết, lĩnh vực để làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách mới. Từ đó, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết về cơ chế, chính sách phù hợp hơn.

Chia sẻ với phóng viên góc nhìn về các phương án sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân cho rằng thành phố cần được kéo dài thời gian thực hiện thêm 2 năm, bởi trong thời hạn 5 năm để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố đã mất đi 2 năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Phương án còn lại là đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, bổ sung các nội dung còn thiếu để hoàn chỉnh Nghị quyết 54 trước đây, phù hợp với tình hình của TPHCM hiện tại. Trong nghị định mới này, TPHCM sẽ lồng ghép các nội dung liên quan tới phân cấp quản lý một số lĩnh vực.