Loạt kiến nghị gỡ "chiếc áo cơ chế" cho thành phố Thủ Đức

Q.Huy

(Dân trí) - UBND TPHCM đã đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức.

Sau hơn một năm thành lập, thành phố Thủ Đức đã từng bước trở thành điểm sáng của TPHCM. Trong năm 2021, thành phố Thủ Đức vượt chỉ tiêu cả thu ngân sách địa phương lẫn ngân sách Nhà nước, tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở mức cao so với các quận, huyện khác.

Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố đầu tiên trực thuộc TPHCM, Thủ Đức được kỳ vọng nhiều hơn. "Chiếc áo cơ chế" đã chật là điều được chính quyền các cấp nhìn ra và tìm kiếm sự thay đổi.

Loạt kiến nghị gỡ chiếc áo cơ chế cho thành phố Thủ Đức - 1

Cơ chế chỉ ngang cấp huyện khiến thành phố Thủ Đức chưa phát huy được tiềm năng (Ảnh: Hải Long).

Trước bối cảnh đó, UBND TPHCM đã đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức. Trong đó, TPHCM đưa ra 8 cơ chế đặc thù, tập trung vào các lĩnh vực quản lý Nhà nước, ngân sách, đầu tư và chính sách nhân sự:

Tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước từ TPHCM cho thành phố Thủ Đức.

Trong địa giới hành chính của mình, UBND thành phố Thủ Đức được thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước theo thẩm quyền các sở trực thuộc UBND TPHCM. Các nội dung quản lý cụ thể được thực hiện sẽ do UBND TPHCM trình HĐND thành phố thông qua.

Các sở chuyên ngành có chức năng quản lý Nhà nước được chuyển giao cho UBND thành phố Thủ Đức thực hiện hướng dẫn, giám sát về chuyên môn. Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức căn cứ tình hình có thể xem xét, ủy quyền cho người đứng đầu các phòng triển khai thực hiện, trừ các nội dung tham mưu cho UBND TPHCM.

Gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực.

UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội cho thí điểm việc cho nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh tương tự nhà đầu tư trong nước đối với một số lĩnh vực như logistic, y tế, giáo dục, thương mại tại thành phố Thủ Đức. Thời gian thí điểm là 5 năm.

Thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật các nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp xảy ra sai phạm sẽ bị xem xét chấm dứt hoạt động.

Phân bổ lại ngân sách, tỷ lệ chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại nguồn thu.

UBND TPHCM mong muốn được thí điểm bổ sung nhiệm vụ chi khoa học và công nghệ cho thành phố Thủ Đức để thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ. Về lâu dài, thành phố Thủ Đức sẽ triển khai hiệu quả các dự án, đề án khoa học và công nghệ phục vụ phát triển.

Loạt kiến nghị gỡ chiếc áo cơ chế cho thành phố Thủ Đức - 2

Các nhà đầu tư ngoại sẽ có cơ chế thoáng hơn để đầu tư vào thành phố Thủ Đức (Ảnh: Hải Long).

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn thành phố Thủ Đức và dự án nhóm B,C sử dụng vốn ngân sách TPHCM trên địa bàn.

Trong đó, HĐND thành phố Thủ Đức sẽ được quyết định chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được quyết định đầu tư các dự án nói trên. Để đảm bảo tính thống nhất, thành phố Thủ Đức sẽ không quyết định đối với các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đầu tư công, phát thanh, truyền hình, đối ngoại…

 Đấu thầu các khu đất công, đấu thầu cung cấp dịch vụ công.

Đối với các khu đất công Nhà nước quản lý, bên cạnh cơ chế xử lý đấu giá quyền sử dụng đất, TPHCM kiến nghị được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Việc đấu thầu chọn nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong trường hợp khu đất dự án có đất công do Nhà nước quản lý và các loại đất khác.

Trước khi tổ chức đấu thầu, cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp xử lý tài sản công phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục về xử lý tài sản.

Về cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong đầu tư hạ tầng.

Kiến nghị áp dụng quy trình, thủ tục bố trí vốn đầu tư và xây dựng theo quy định tại Luật đầu tư công đối với dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng mà người dân, doanh nghiệp đóng góp 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện lập dự án đầu tư và thực hiện các phần công việc dựa trên nguồn tài chính được đóng góp.

Trường hợp người dân, doanh nghiệp đóng góp dưới 100%, căn cứ trên tỷ lệ đóng góp, tính chất quan trọng của công trình và khả năng của ngân sách, Nhà nước sẽ bố trí ngân sách còn lại. Nguồn vốn được đóng góp cần nộp và giải ngân trực tiếp thông qua kho bạc Nhà nước.

Tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp.

Đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C, không phân biệt nguồn vốn tại thành phố Thủ Đức, TPHCM kiến nghị chấp thuận cơ chế tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng, được phê duyệt chủ trương đầu tư độc lập.

Ngoài ra, các dự án xây lắp chỉ được thực hiện sau khi dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong.

Thẩm quyền về bộ máy quản lý Nhà nước và chính sách nhân sự.

TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép chủ động trong việc giao biên chế đối với UBND thành phố Thủ Đức. Số lượng biên chế đối với khối chính quyền năm 2025 là 3/4 biên chế được giao của 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) trước khi hợp nhất.

Đối với nhân sự lãnh đạo địa phương này mong muốn được điều chỉnh tăng theo hướng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức không quá 4 người.