Sắp “cởi trói” xử phạt giao thông cho 2 thành phố lớn

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Nghị định cho phép Hà Nội và TPHCM xử phạt cao hơn đối với vi phạm giao thông đã được Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ được ký ban hành trong ít ngày tới.

Phạt nặng để… ít người bị phạt!
 
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố còn rất nghiêm trọng, nhất là vào những giờ cao điểm, những dịp tổ chức sự kiện lớn.
 
Từ những thực tiễn bức xúc của ách tắc giao thông, thành phố kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số loại phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô và một số thành phố lớn khác.
 
Cùng đó, tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn các thành phố lớn để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, tạo thêm nguồn thuc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.
 
Cho thành phố thực hiện cơ chế đặc thù trong việc xử phạt với mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành đối với một số hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm nhằm năng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.
 
Sắp “cởi trói” xử phạt giao thông cho 2 thành phố lớn - 1
Thủ tướng: Để quy định mới hiệu quả việc tuần tra, xử lí phải nghiêm
 
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, hiện nay chỉ có người lái máy bay không đi sai đường, còn bên dưới, các phương tiện giao thông đều… sai tuốt. Cũng theo ông Nghị, lúc này không thể viện lý do nghèo để không phạt nặng mà phải phạt nặng để người tham gia giao thông ý thức hơn, từ đó có ít người bị phạt.
 
Đáp lại những đề xuất của Thủ đô, đại diện ngành công an cho biết, Nghị định xử phạt hành chính đã được sửa theo hướng cho phép Hà Nội và TPHCM được xử phạt cao hơn và sắp tới sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
 
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Tư pháp đã thẩm định văn bản này và trong vài ngày tới đây Thủ tướng sẽ ký ban hành. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, dù có quy định mới nhưng việc tuần tra xử phạt không nghiêm, hiệu quả cũng sẽ không cao.
 
Về vấn đề tăng phí trước bạ, thu phí giao thông, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, ông rất ủng hộ… Cũng theo ông Ninh, phí trước bạ có nhiều khung và dù hiện nay Hà Nội chưa áp dụng tới mức cao nhất, nhưng tinh thần tới đây sẽ tiếp tục mở khung cao hơn.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ đối việc tăng khung phí và Hà Nội được áp dụng mức cao.
 
Về đề xuất cho phép Hà Nội được triển khai thực hiện các giải pháp đặc thù về quản lý dân cư, hạn chế tình trạng dân cư đổ dồn về đô thị trung tâm, làm tăng áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị, Thủ tướng cho biết Nghị định mới về Quản lý dân cư cũng sẽ sớm được ban hành trong những ngày tới.
 
Không để Hà Nội mới trở lại… Hà Nội cũ
 
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc giảm tải cho khu vực nội đô vẫn chưa giải quyết được do sự thiếu quyết liệt của thành phố. Theo ông Hùng, nếu không hạn chế được vấn đề này, hướng phát triển tương lai sẽ càng khó khăn.
 
“Tạm dừng phát triển bên trong để dãn ra bên ngoài mới gọi là văn minh hiện đại được. Nếu 3, 4 năm nữa mà Hà Nội trở lại như Hà Nội cũ thì không ổn”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
Cũng liên quan tới vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, đồ án quy hoạch chung Hà Nội được xây dựng trong một năm nên không đủ thời gian “nghiền ngẫm” yếu tố kiến trúc. Vì thế, khi triển khai quy hoạch, Hà Nội phải rất chú ý tới kiến trúc.
 
Một vấn đề khác, việc xây dựng các công viên mới, sân Olympic, làng Olympic… quy hoạch chung cũng chưa tính đến. Quy hoạch chi tiết phải giải quyết các vấn đề này, nếu không Hà Nội sẽ không có dấu ấn gì.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, cần quyết liệt trong việc hoàn tiện quy hoạch chung. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, các tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai, cầu của Hà Nội “không thể khác được” nên không cần chờ quy hoạch, phải thực hiện ngay.
 
“Cần gắn quy hoạch với dự án 4 tàu điện ngầm, 6 đường sắt trên cao, 6 xuyên tâm, 5 vành đai và cần tính toán chuẩn bị đầu tư với nguồn vốn thích hợp cho từng dự án là ODA hay trái phiếu Chính phủ…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Đề cập Luật Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ thảo luận về dự thảo luật này với tinh thần, có những cơ chế đặc thù để Hà Nội làm được vai trò, vị trí với cả nước. “Điều gì giúp Hà Nội làm tốt hơn thì uỷ quyền cho Hà Nội còn những gì trái luật, Nghị định chưa có đủ cơ sở sửa, có thể đề nghị cho thí điểm”, Thủ tướng nói.
 
Cấn Cường