1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Sắp bán đấu giá hơn 5 tấn gỗ “sưa trăm tỷ”

(Dân trí) - Dự kiến vào cuối tháng 6, toàn bộ hơn 5 tấn gỗ sưa đỏ có tuổi đời hàng trăm năm sẽ được tổ chức bán đấu giá tại UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Sắp bán đấu giá hơn 5 tấn gỗ “sưa trăm tỷ” - 1

Dự kiến vào cuối tháng 6, ở UBND xã Hòa Chính sẽ tiến hành bán đấu giá gỗ "sưa trăm tỷ" (Ảnh: Nguyễn Trường).

Chiều 11/6, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) cho biết, dự kiến vào cuối tháng 6, địa phương này sẽ tiến hành bán đấu giá số gỗ sưa đỏ được người dân khai thác hồi đầu năm tại trụ sở UBND xã Hòa Chính.

“Đại diện của thôn đã ký hợp đồng thuê Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) để thực hiện việc bán đấu giá gỗ sưa. Được biết trong hôm nay, đơn vị này đã bắt đầu bán hồ sơ cho các cá nhân, tổ chức” - ông Tuyến chia sẻ.

Theo ông Tuyến, đại diện người dân trong thôn sẽ phối hợp với Trung tâm bán đấu giá tài sản tổ chức bán hồ sơ. Tổng số gỗ thu được từ việc chặt hạ 2 cây sưa đỏ trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính khoảng 5 tấn.

“Từ việc kiểm đếm số gỗ sưa đến quy trình bán đấu giá đều được chúng tôi tiến hành công khai, đúng quy định của pháp luật” - ông Tuyến khẳng định.

Trưởng thôn Phụ Chính cho biết thêm, dự kiến, số rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất - PV) là 6,5 triệu đồng/kg.

Riêng phần thân cây sưa sẽ tuỳ thuộc vào chất lượng gỗ để phân thành các loại giá sàn khác là loại 32 triệu đồng/kg; loại 22 triệu đồng/kg và loại 15 triệu đồng/kg.

Bên cạnh đó, việc bán đấu giá gỗ sưa sẽ không giới hạn người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, theo quy định thì người mua hồ sơ tham gia đấu giá phải đặt cọc trước 15% trong tổng số tiền gỗ sưa sẽ mua.

Sắp bán đấu giá hơn 5 tấn gỗ “sưa trăm tỷ” - 2

Toàn bộ số gỗ sưa được để trong thùng xe container hàn kín, quấn lưới B40 (Ảnh: Nguyễn Trường). 

Như Dân Trí đã đưa tin, sau 8 năm chờ đợi, các cơ quan chức năng xác định cây sưa đỏ quý hiếm ở thôn Phụ Chính thuộc thẩm quyền của người dân địa phương.

Vì vậy, chính quyền đã cho cho phép cộng đồng dân cư nơi đây được khai thác nốt số gỗ sưa còn lại, phục vụ mục đích chung nhưng phải chấp hành theo quy định của pháp luật.

Người dân nơi đây kể lại, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng. Khi biết giá trị cây sưa, nhiều người lạ tìm đến thôn hòng cưa trộm cây khiến người dân phải thấp thỏm canh chừng. Đồng thời người dân cũng lo sợ cây sưa sẽ chết dần, mất giá trị.

Năm 2016, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây sửa để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích nhưng chưa nhận được sự đồng ý.

Tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

Cuối tháng 1/2019, người dân địa phương đã chặt hạ, khai thác cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi đời trên 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính. Đồng thời, một cây sưa đỏ khác có tuổi đời trên 100 năm, nằm cạnh “cây sưa trăm tỷ” cũng được người dân tiến hành khai thác.

Toàn bộ số gỗ sưa được người dân cất giữ trong thùng xe container hàn kín các mối khóa, quấn lưới B40 xung quanh, lắp camera giám sát đặt tại nhà văn hóa thôn đợi ngày bán đấu giá.

Nguyễn Trường